Tiền đâu ra?

31/10/2016 05:30 GMT+7

Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều ngày qua, khi Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đệ trình Quốc hội dự kiến cần khoảng 10,567 triệu tỉ đồng (khoảng 480 tỉ USD) trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Tuần này, Quốc hội có 4 phiên thảo luận (được truyền hình trực tiếp) về kinh tế xã hội, đây tiếp tục sẽ là câu chuyện của các đại biểu Quốc hội.
Sự thực mà nói, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 được đánh giá là đề án “thị trường” nhất từ trước đến nay, trong đó có sự phân định rất rõ nhà nước làm gì và tư nhân làm gì. Chính phủ cũng chọn kịch bản áp lực nhất: GDP tăng khoảng 7%, bội chi ngân sách 4% GDP, lạm phát khoảng 3,5%. Và con số 480 tỉ USD hay hơn 10,5 triệu tỉ đồng là tổng mức đầu tư toàn xã hội trong 5 năm chứ không phải nguồn vốn nhà nước huy động.
Trong tổng số hơn 10,5 triệu tỉ đồng này, dự kiến nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành và địa phương chiếm khoảng 3,57 triệu tỉ đồng (tương đương gần 180 tỉ USD).
Một nguồn vốn khác là từ FDI, dự kiến thu hút được trên 1,4 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 68 tỉ USD).
Những nguồn vốn khác cũng sẽ được huy động, chẳng hạn, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cũng có thể tạo ra nguồn thu từ 15 - 20 tỉ USD.
Tuy ngân sách chiếm khoảng 180 tỉ USD, nhưng quan điểm huy động nguồn lực của Chính phủ là “từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển”.
Điều này có nghĩa là, đề án cũng xác định, trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn này không phải là huy động mà là sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Làm thế nào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đây là điều các đại biểu Quốc hội nên bàn. Cứ theo cách cũ, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần, cứ 10 năm giảm 1 điểm %. Động lực cho tăng trưởng phải là cởi trói cho những nền tảng vi mô của kinh tế thị trường. Không thể tiếp tục cơ chế xin - cho phổ biến như hiện nay, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Lâu nay, chúng ta thường thấy, doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả lại được ưu ái nhiều, còn doanh nghiệp tư nhân làm ăn tốt lại gặp vô vàn cản trở để có thể tốt hơn. Làm thế nào để khắc phục được tình trạng khuyến khích ngược này, nếu như không phải là những cải cách triệt để trong tư duy quản lý kinh tế của nhà nước. Đã đầu tư dứt khoát phải có hiệu quả, phải có khả năng cạnh tranh quốc tế, để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.