Thờ ơ trước bức xúc của dân

21/10/2015 04:00 GMT+7

Cách đây 1 tháng, Thanh Niên lên tiếng phản ánh hành vi “ma cô”, kinh doanh lừa dối khách hàng của cây xăng Trần Thiên, 61 Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 (TP.HCM).

Cách đây 1 tháng, Thanh Niên lên tiếng phản ánh hành vi “ma cô”, kinh doanh lừa dối khách hàng của cây xăng Trần Thiên, 61 Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 (TP.HCM).

Vi phạm của cây xăng “ma cô” này đã bị vạch rõ, việc còn lại chỉ là vấn đề xử lý, ngăn chặn kịp thời hành vi ngang nhiên móc túi người dân giữa trung tâm TP lớn. Dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng liên quan trả lời công khai về kết quả xử lý vi phạm kéo dài của cây xăng Trần Thiên. Làm việc với Thanh Niên thời điểm đó, sau khi tiếp nhận hình ảnh chứng minh hành vi vi phạm của cây xăng Trần Thiên do PV cung cấp, Trưởng phòng Kinh tế Q.1 “hứa hẹn” sẽ vào cuộc xử lý vi phạm và chủ động cung cấp thông tin cho báo chuyển tải đến bạn đọc. Thế nhưng, đến nay vẫn “bặt âm tín”, dù những ngày qua PV đã nhiều lần chủ động liên hệ với người phát ngôn UBND Q.1, Phòng Kinh tế Q.1, nhưng cũng không có kết quả.
Nhưng câu chuyện né trả lời báo chí vụ cây xăng Trần Thiên chỉ là một ví dụ. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Báo Thanh Niên tiếp nhận và làm phiếu chuyển đến các cơ quan quản lý nhà nước 310 đơn thư của bạn đọc khiếu nại liên quan đến đất đai, nhà ở, tố cáo tiêu cực, quyền lợi người dân bị xâm hại... Kết quả, chỉ có 113 phiếu chuyển được trả lời (chiếm 34,5%).
Né tránh trả lời báo chí cũng là né tránh những bức xúc của bạn đọc, của người dân, thể hiện sự thiếu minh bạch trong quản lý điều hành. Phải chăng “có chuyện gì đó” trong sai phạm của cây xăng Trần Thiên, khi mà từ UBND Q.1 là nơi quản lý địa bàn, đến Chi cục Quản lý thị trường TP... vẫn không lên tiếng trước hành vi gian lận trắng trợn mà báo chí đã vạch mặt, chỉ tên. Phải chăng những khiếu nại của người dân “đụng” đến quyền lợi hay góc khuất nào đó của hơn 60% cơ quan không trả lời bạn đọc, nên họ “làm thinh”?
Từ năm 2013, Quyết định số 25 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Chủ tịch UBND TP.HCM sau đó cũng ký Quyết định số 32 ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Cả 2 quy chế đều quy định rõ trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là một ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra. Cơ quan, cá nhân không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong quy chế này thì sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Quy định đã rất rõ ràng. Vì thế, việc “né” quy chế phát ngôn là coi thường quy định pháp luật và lảng tránh trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thờ ơ trước bức xúc của người dân. Thái độ này cần phải được chấn chỉnh, xử lý nghiêm, không chỉ giúp cho việc đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ cương pháp luật mà còn giúp lấy lại niềm tin từ người dân; đồng thời tiếp thêm sức mạnh, sự vững tin của cơ quan truyền thông, báo chí trên mặt trận chống tiêu cực, bảo vệ luật pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.