Thiếu hiểu biết làm chúng ta tàn nhẫn

Vũ Hân
Vũ Hân
01/04/2019 04:43 GMT+7

Nửa đêm 29.3, khi nhận được clip nữ sinh Nguyễn Thị H.Y (Trường THCS Phù Ủng, H.Ân Thi, Hưng Yên) bị bạn xé quần áo, bạo hành ngay tại lớp với nhiều cú đạp vào đầu, vào mặt, những “người lớn” tại tòa soạn Thanh Niên không khỏi choáng váng, rùng mình vì sự tàn nhẫn của các học sinh lớp 9 với chính bạn của mình.

[VIDEO] Trách nhiệm giáo viên ở đâu khi nữ sinh Hưng Yên bị lột quần áo, bạo hành?
Ngay đêm đó, chúng tôi tìm mọi cách liên lạc với nhân viên của trường, và được cho biết “nhà trường đã giải quyết” và việc “không có gì nghiêm trọng”.
Sáng hôm sau, tức tốc về nơi xảy ra sự việc, đón chúng tôi là những ánh mắt vừa e ngại vừa chán ghét của một số thầy cô giáo trong trường, một số quan chức địa phương, kiểu “đám nhiễu sự” lại sắp làm ầm lên một chuyện “có nghiêm trọng đâu nhỉ”, “tuổi các cháu đánh nhau là bình thường”, dù khi được hỏi “anh/chị đã xem clip chưa”, chúng tôi đều nhận được những cái gật đầu.
[VIDEO] Nỗi lòng phụ huynh trong vụ nữ sinh Hưng Yên bị lột quần áo, bạo hành dã man
Đã từng đi học, đã từng trải qua tuổi vị thành niên, không ai thiếu kinh nghiệm đến mức không hiểu “học sinh đánh nhau là bình thường”. Nhưng đánh bạn đến mức tàn nhẫn như vậy (1 tuần sau khi bị đánh, má em H.Y vẫn còn bầm), lột hết quần áo của bạn như vậy, quay clip bạn bị xé áo quần, chật vật che thân như vậy và gửi cho các bạn nam trong lớp, thì với tất cả kinh nghiệm làm người của mình, chúng tôi không thể thấy “bình thường” được.
Sự việc trở nên đau lòng hơn khi biết được hoàn cảnh em H.Y, có ông nội và bố bị cho là “tâm thần”, mẹ đau bệnh, bản thân em cũng bị kỳ thị vì “thiếu kỹ năng sống”, vì “quá hiền”... Tất cả những ngặt nghèo đó lại được viện dẫn như một lý do biện hộ cho việc em “khác biệt” giữa các bạn, việc em bị bắt nạt trong thời gian dài mà không nhận được một sự hỗ trợ nào từ người lớn.
[VIDEO] Hiệu trưởng đau đầu vì vụ nữ sinh bị lột quần áo, đánh dã man ở Hưng Yên
Chúng tôi không kể ra đây những cái tên, vì cách nhìn nhận này không phải một cá nhân, mà là một lối suy nghĩ. Và vì vậy, chấm dứt bạo lực học đường xem chừng chưa có lối ra, và mong ước học sinh thực sự được bảo vệ dưới mái trường, nghe chừng vẫn xa vời.
Cũng phải nói thêm rằng gặp và trò chuyện với các thầy cô trường này, các quan chức địa phương này, chúng tôi không có chút mảy may suy nghĩ bất cứ ai trong số đó là tàn nhẫn, là người xấu. Họ không ác như những lời dư luận phán xét trong cơn phẫn nộ. Nhưng sự thờ ơ đến vô cảm trước sự việc của em H.Y thì sao? Sự tổn thương tinh thần của một đứa trẻ có lẽ chưa ở trong phận sự của các cô, thầy giáo?
Ai nằm trong tâm điểm dư luận cũng ít nhiều oan ức. Chúng tôi vẫn tin trong tất cả những người (có thể sẽ) bị kỷ luật tới đây vì sự việc không ai là người xấu. Và cho dù mỗi lần lên tiếng về những việc như thế này đều sẽ phải nhận những ánh mắt vừa oán trách vừa e sợ của những người trong cuộc, thì chúng tôi vẫn sẽ lên tiếng, dư luận vẫn phải lên tiếng.
Phải lên tiếng vì chúng ta phải hiểu biết lên, vì thiếu hiểu biết làm chúng ta tàn nhẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.