Thị trường bán lẻ đứng thứ 3 thế giới, mừng hay lo?

26/05/2006 00:41 GMT+7

Sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam được xếp đứng thứ 3 thế giới, đứng trên cả Trung Quốc - một nước đứng đầu thế giới về số dân, về tăng trưởng kinh tế (cả về số năm tăng liên tục, cả về tốc độ tăng cao).

Đó là tin mừng theo nhiều nghĩa. Đây là nước ngoài đánh giá, chứ không phải là sự đánh giá theo kiểu "mẹ hát con khen", hay chạy theo chủ nghĩa thành tích - một tình trạng khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực hiện nay. Sự đánh giá của nước ngoài có ý nghĩa thuyết phục đối với các nhà đầu tư, thương mại, du lịch quốc tế. Căn cứ của sự đánh giá, xếp hạng này dựa trên nhiều tiêu chí. Dân số Việt Nam hiện đã lên đến trên 83 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, hằng năm hiện vẫn còn tăng trên 1 triệu người, theo mục tiêu đến năm 2010 nếu thực hiện được cũng đã lên đến 88,4 triệu người - một quy mô mơ tưởng của nhiều nhà đầu tư mà không phải nước nào cũng có được! Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện cũng chỉ kém Trung Quốc về số năm tăng liên tục và tốc độ tăng cao. Tăng trưởng xuất khẩu cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu so với GDP (đạt 131%), thuộc loại cao trên thế giới. Đặc biệt tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá cao (bình quân 5 năm tăng 16,9%/năm), nếu loại trừ yếu tố tăng giá (tương ứng tăng 5,1%/năm) vẫn còn tăng trên 11,2%/năm - một tốc độ tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao do nhiều yếu tố: dân số tăng, mức tiêu dùng bình quân đầu người tăng, tỷ lệ tiêu dùng thông qua mua bán trên thị trường tăng (từ 68,5% năm 2000 lên 82,1% năm 2005). Khi đã có bát ăn bát để, đồng ra đồng vào, thì xu hướng tiêu dùng của người dân đã khác trước: tiêu dùng mạnh tay hơn, ít đắn đo hơn, có lựa chọn hơn; một bộ phận dân cư có mức thu nhập cao đã chuyển đổi nhanh cơ cấu tiêu dùng cả về mặt hàng (mặt hàng công nghiệp, dịch vụ nhiều hơn mặt hàng nông, lâm nghiệp - thủy sản, mặt hàng cao cấp nhiều hơn mặt hàng thiết yếu, sản phẩm dịch vụ nhiều hơn hàng hóa vật chất); cả về thị trường (siêu thị, trung tâm thương mại nhiều hơn là chợ, vỉa hè, hàng hiệu nhiều hơn là hàng chợ)...

Bên cạnh những tin mừng cũng có nhiều cái lo. Nhìn tổng quát, đất nước còn nhập siêu, có nghĩa là sản xuất chưa đủ sử dụng ở trong nước, còn nhập siêu cả về hàng hóa, cả về dịch vụ, một bộ phận quan trọng của tích lũy, đầu tư phụ thuộc vào nước ngoài. Thu nhập của một bộ phận dân cư chưa đủ chi tiêu (nếu chia đều tổng số hộ thành 5 nhóm có số thu nhập bình quân đầu người từ thấp đến cao thì nhóm 1 thu chỉ bằng 83,3% chi, nhóm 2 thu chỉ bằng 98% chi). Một bộ phận dân cư giàu lên quá dễ, nhất là những kẻ tham nhũng, buôn lậu trốn thuế... thì chi tiêu lãng phí, thậm chí ngông cuồng. Bộ máy Nhà nước cồng kềnh, chi mua sắm công khá cao, lại cộng thêm tình trạng "gửi giá" cũng làm cho chi tiêu của khu vực này cao. Nhiều người nước ngoài có nhận xét rất đáng để chúng ta suy nghĩ, đó là "làm ít tiêu nhiều".

Xem thế thì thông tin trên làm cho ta lo nhiều hơn mừng, mừng với biểu hiện ở bên ngoài, nhưng lo lại ở bên trong!

Sau sự đánh giá, xếp hạng trên, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường bán lẻ của Việt Nam sẽ được các đại gia quốc tế thâm nhập mạnh. Trong khi đó, ngành bán lẻ của Việt Nam tuy không còn non trẻ, nhưng lại chưa trưởng thành, hiện tại lại "chưa có sự sẵn sàng" của cả nhà quản lý và cả người  bán lẻ trong nước trước các đại gia hùng mạnh có quy mô toàn cầu.

Dung lượng thị trường bán lẻ của Việt Nam có nhiều tiềm năng và ngày một tăng lên, sự thâm nhập của các đại gia quốc tế sẽ rất mạnh, nhưng nếu không có sự sẵn sàng ở trong nước thì thị phần sẽ không tăng lên mà thậm chí còn bị thu hẹp ngay trên sân nhà!

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.