Thêm nhà máy thép để làm gì?

02/07/2018 05:12 GMT+7

Câu hỏi này không hề mới. Cách đây 2 năm, dự án thép Cà Ná - Hoa Sen được đưa vào quy hoạch đã khơi nguồn cho một cuộc chiến dữ dội trước việc có tiếp tục cấp phép đầu tư các dự án thép tỉ “đô” nữa hay không khi nguồn cung trong nước và thế giới đều dư thừa.

Khi đó hầu hết các chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp (DN) ngành thép, lãnh đạo trung ương - địa phương và người dân đều có chung quan điểm, chúng ta không cần thêm các dự án thép. Nhiều dự án thép trong và ngoài nước sau đó đã bị tạm ngưng. Thế nhưng sau một thời gian “nằm vùng”, không ít nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc lại tìm đến VN như một cứ điểm để xin làm thép.
Có nhiều lý do, thứ nhất là do Trung Quốc đang tiếp tục đóng cửa nhiều nhà máy thép vì dư thừa nguồn cung và ô nhiễm trầm trọng. Thứ hai là tại VN, dù Chính phủ đã khẳng định chủ trương không khuyến khích các ngành tiêu hao năng lượng, không hy sinh môi trường cho phát triển nhưng không ít địa phương vẫn muốn thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Tâm lý này đã mở ra cơ hội cho các DN Trung Quốc tìm cách “tuồn” công nghệ lạc hậu vào VN. Đặc biệt, xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng cũng là một trong những lý do các DN thép Trung Quốc tìm sang VN để trú ẩn. Trước đó, chúng ta cũng đã bị vạ lây từ việc thép Trung Quốc “mượn” VN để xuất sang Mỹ nhằm né thuế khi bị nước này áp thuế chống bán phá giá.
Đáng nói là những loại thép đang được xin cấp phép đầu tư thì trong nước đang dư thừa. Nếu vẫn tiếp tục cấp phép đầu tư thì thép nội sẽ ế, DN nội sẽ khó khăn, thậm chí là phá sản. Hơn nữa, đặc thù của thép là tiêu hao năng lượng lớn và ô nhiễm nên nhiều nước cũng không khuyến khích đầu tư vào ngành này. VN càng nên không vì chúng ta đang thừa thép, thiếu điện. Nếu vẫn dễ dãi tiếp nhận các dự án thép thì cả hai vấn nạn trên càng thêm trầm trọng. Đó là chưa kể, ô nhiễm môi trường là rất khó kiểm soát. Từ đó dẫn đến nguy cơ gây những hệ quả không lường phía sau, đẩy VN vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi đã trót cấp phép.
Vấn đề chọn lọc đầu tư đã được đặt ra từ hàng thập niên qua nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét nghiêm túc. Chúng ta vẫn nặng về thành tích, thích những con số đẹp về thu hút đầu tư, tự hào với các dự án ngoại tỉ “đô”. Nhưng cấp phép tràn lan những dự án nguy cơ ô nhiễm cao như thép, điện than, dệt nhuộm... chỉ mang lại những hiểm họa cho môi trường. Cấp phép không chọn lọc, tặng thêm các ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài với ngành nghề trong nước đã tự chủ chỉ đẩy DN nội đứng trước cuộc cạnh tranh không cân sức, dẫn đến mất thị trường sân nhà.
Các nhà đầu tư theo xu hướng bền vững chắc chắn không thích “chung mâm” với những DN gây ô nhiễm. Không chọn lọc chúng ta sẽ rơi vào tình thế “được con tép, mất con tôm hùm” trong bối cảnh thế giới đang hướng đến phát triển xanh hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.