Thế lực nào bảo kê cho xăng giả?

Anh Vũ
Anh Vũ
13/06/2019 05:02 GMT+7

Nếu không có một thế lực ngầm đứng ở phía sau bao che, bảo kê hoặc làm việc thiếu trách nhiệm, liệu “đại gia” Trịnh Sướng có chui lọt được lỗ kim của một loạt hệ thống kiểm soát, ban bệ các cơ quan chính quyền từ trên xuống dưới hay không?

Đó là bức xúc của người dân cũng như các đại biểu Quốc hội trong suốt những ngày vừa qua, khi đường dây buôn lậu, làm xăng giả của “đại gia” Sóc Trăng này bị triệt phá.
Tại cuộc họp báo ngày 11.6, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thừa nhận thiếu sót khi để xảy ra việc sản xuất, buôn lậu xăng giả. Song với hàng chục triệu người dân VN, điều đó rõ ràng là chưa đủ và chưa thế chấp nhận.
Với quy mô tiêu thụ hàng triệu lít, số tiền hàng ngàn tỉ đồng, xuyên qua nhiều tỉnh thành, đường dây này có quy mô quá khủng khiếp. Trịnh Sướng chỉ là một mắt xích nhỏ và có thể còn nhiều “đại gia xăng dầu” khác ở nhiều tỉnh thành có liên quan đến đường dây xăng dầu giả này. Dư luận có quyền đặt câu hỏi đường dây này không thể sản xuất kinh doanh gần 20 triệu lít xăng nếu như không có sự hỗ trợ, bảo kê, câu kết của những lực lượng khác. Điều đáng ngạc nhiên, tại sao trong nhiều năm, Sở KH-CN, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), Cục Quản lý thị trường… lại không phát hiện ra? Phải chăng, các đối tượng này hoạt động quá tinh vi, quá chuyên nghiệp?
Xin thưa, không phải! Thủ đoạn pha tạp chất vào xăng dầu đã có từ rất lâu. Những hành vi phi pháp này đã gây ra một loạt vụ cháy, nổ xe liên tiếp trong thời gian qua, đe dọa tới sức khỏe, sinh mạng của người dân. Đã có nhiều cửa hàng, nhiều đầu nậu bị bắt giữ, khởi tố. Tuy nhiên, với “đại gia” Trịnh Sướng và đường dây buôn lậu quy mô cực khủng này, dù có muốn cũng không thể hiểu được các cơ quan chức năng đang ở đâu, đang làm gì nếu lực lượng công an không triệt phá được.
Xăng là mặt hàng thiết yếu, đầu vào của sản xuất, an ninh năng lượng của quốc gia nên được liệt vào danh sách ngành kinh doanh có điều kiện, thậm chí vô cùng khắt khe, chặt chẽ. Nên để xảy ra vụ việc này phải khẳng định, công tác kiểm tra chất lượng, quản lý thị trường, chống buôn lậu rất lỏng lẻo, quá nhiều kẽ hở. Theo ngành dọc, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng có các chi cục nằm tại địa phương giám sát chất lượng; Tổng cục Quản lý thị trường có các cục, chi cục chống gian lận, hàng lậu, hàng nhái… nhưng tất cả các cuộc kiểm tra, thanh tra chỉ phát hiện ra vài cơ sở nho nhỏ vi phạm chỉ số octan, còn kho xăng dầu to như “con voi”, giữa thanh thiên bạch nhật thì không ai nhìn thấy.
Vụ làm giả, buôn lậu xăng diễn ra trong thời gian dài, liệu có phải do thiếu sót, yếu kém trong công tác quản lý, thanh tra, giám sát hay còn những động cơ nào khác phía sau?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.