Thay đổi tư duy từ dịch bệnh

09/08/2020 08:38 GMT+7

Với thực tế dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới , thì ngay cả khi Việt Nam vượt qua đợt bùng phát hiện nay, cũng cần sẵn sàng đối mặt với những đợt khác, chấp nhận “sống chung với bệnh dịch”.

Nói cách khác, Việt Nam cần những kịch bản chấp nhận sự tồn tại của dịch bệnh một cách có kiểm soát, chứ đừng chỉ đặt ra mục tiêu không còn phát sinh dịch bệnh. Khi phát sinh dịch bệnh, cần có những biện pháp khoanh vùng ở quy mô vừa đủ, chứ không thể vội vàng “ngăn sông cấm chợ”, gây ảnh hưởng đến cả một khu vực rộng lớn khiến mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng.
Giữa bối cảnh như vậy, trạng thái bình thường mới của Việt Nam nên mở ra định hướng phát triển lâu dài, biến các bất lợi - do dịch bệnh gây ra - trở thành động lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn diện trong quản lý nhà nước, ban hành chính sách, hoạt động kinh doanh.
Trong đó, Chính phủ nên có những biện pháp chính sách để hỗ trợ cho mọi hoạt động kinh doanh truyền thống chuyển sang giao dịch trực tuyến. Ngày 6.8, truyền thông quốc tế trích dẫn một báo cáo, được thực hiện bởi Facebook và Công ty tư vấn Bain & Co, cho thấy Covid-19 đã giúp quy mô khách hàng thương mại điện tử ở Đông Nam Á đạt 310 triệu ngay trong cuối năm nay, chứ không phải chờ đến năm 2025 như các dự báo trước đó.
Đây chính là cơ hội để chúng ta tận dụng, nên sự chuyển đổi không chỉ áp dụng cho những mô hình kinh doanh ở thành thị, mà thậm chí bao trùm cả ở vùng nông thôn. Ví dụ như khi người nông dân không thể xuất khẩu hay bán nông sản đến các chợ truyền thống, thì cần hướng đến việc phát triển các ứng dụng, sàn giao dịch điện tử để bán hàng trực tiếp cho khách hàng đầu cuối.
Muốn xu hướng này phổ biến hơn, Chính phủ nên khuyến khích các công ty cung cấp những dịch vụ giao dịch trực tuyến. Kèm theo đó là tổ chức quảng bá, hướng dẫn bằng những cách thức thuận tiện, như thông qua các chương trình truyền hình, để mọi người đều có thể “tận mục sở thị” tiếp cận công nghệ.
Quá trình chuyển đổi “offline sang online” không chỉ trong hoạt động kinh doanh, mà còn phải được thúc đẩy trong giáo dục, thủ tục hành chính, khám chữa bệnh... Điều đó sẽ rất hữu dụng ngay cả khi dịch bệnh thực sự trôi qua.
Tư duy cho quá trình chuyển đổi sang trạng thái mới cần được thúc đẩy ở tốc độ nhanh nhất trong mọi lĩnh vực. Muốn làm được điều đó thì cần bắt đầu từ nền tảng quản lý nhà nước. Các nghị quyết, thông tư, điều luật cần được thúc đẩy nhanh để kịp thời điều chỉnh phù hợp các thay đổi. Tại sao một điều luật mới được ban hành thì cứ phải chờ ngày đầu tháng, đầu quý hay đầu năm mới áp dụng vào thực tế!?
Chỉ khi thay đổi tư duy một cách toàn diện từ cấp T.Ư đến địa phương, đặc biệt về quản lý nhà nước, thì chúng ta mới có thể xây dựng nền tảng phát triển vững chắc ngay cả khi dịch bệnh vẫn tồn tại. Đây còn là nền tảng đảm bảo sự ổn định ngay cả khi đối mặt các khủng hoảng khác như thiên tai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.