Thành phố bị chia cắt?

25/12/2015 06:16 GMT+7

Tấm bản đồ mà Hoa hậu Việt Nam Lan Khuê trưng ra ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) là tấm bản đồ Việt Nam “nguyên vẹn” với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tấm bản đồ mà Hoa hậu Việt Nam Lan Khuê trưng ra ở cuộc thi Hoa hậu Thế giới tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) là tấm bản đồ Việt Nam “nguyên vẹn” với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Với tấm bản đồ ấy, Lan Khuê đã bị làm khó như thế nào tại cuộc thi sắc đẹp này thì chúng ta đều biết.
Trong thực tế, quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ năm 1974. Hoàng Sa lại là huyện đảo trực thuộc TP.Đà Nẵng, vì thế có thể nói “máu của máu Đà Nẵng, thịt của thịt Việt Nam” là quần đảo Hoàng Sa đã bị chia cắt một cách phi pháp khỏi TP.Đà Nẵng. Người Đà Nẵng không bao giờ nguôi nỗi đau ấy, và bao giờ cũng nghĩ sẽ tới một ngày Hoàng Sa trở về với Đà Nẵng, chấm dứt sự chia cắt vô lý này.
Vậy mà, trong những ngày gần đây, công luận rộ lên chuyện “Đà Nẵng lại bị chia cắt ngay trong lòng thành phố”. Không phải chuyện núi hay biển chia cắt thành phố này, mà là chuyện người Trung Quốc “giấu mặt” mua gom đất ở Đà Nẵng, tạo nên những “vành đai” chia cắt thành phố biển của chúng ta. Trong những vụ việc này, người Trung Quốc đã đứng đằng sau, đầu tư tiền cho người Việt mua gom đất ven biển, khu vực sân bay Nước Mặn và một số địa điểm thuộc các phường của hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Danh sách 246 lô đất tạo thành vệt biệt thự ven biển cho thấy, đa phần chúng đều nằm ở vị trí nhạy cảm, liên quan đến khu vực phòng thủ hoặc vùng quân sự...
Chưa thể nói họ dùng tên và tư cách pháp nhân của người Việt thu gom mua đất với số lượng lớn và số tiền rất lớn như thế để làm gì, nhưng khi những lô đất liền vệt ấy thuộc những vị trí phòng thủ nhạy cảm của thành phố, thì bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng không thể yên lòng. Hãy nhớ, vào năm 1858, thực dân Pháp khi muốn xâm chiếm Việt Nam đã tấn công đầu tiên vào Đà Nẵng. Cuộc tấn công ấy phát xuất từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) do Phó đô đốc hải quân Pháp Rigault De Genouilly chỉ huy.
Và năm 1965, khi trực tiếp mở rộng chiến tranh Việt Nam, Mỹ cũng đã dùng lực lượng lớn đổ bộ vào cửa biển Đà Nẵng. Cả hai lần, Đà Nẵng đều là “điểm nhạy cảm” để là mảnh đất Việt Nam đầu tiên bị tấn công bởi ngoại bang xâm lược. Cái “nhạy cảm” của Đà Nẵng chính là ở vị thế chiến lược của nó. Điều này thì rất nhiều người Việt Nam yêu nước đều biết. Vì thế, tuyệt đối không để thành phố chúng ta “bị chia cắt” vì bất cứ lý do nào. Và không để thành phố bị động trong bất cứ tình huống nào.
Thời mở cửa hội nhập, với nhiều chính sách cởi mở về mua bán đất đai, Đà Nẵng cũng đã thực hiện chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” khá thành công. Nhưng dù cởi mở tới đâu, hòa nhập tới đâu, thì khu vực phòng thủ dọc bờ biển Đà Nẵng vẫn phải được bảo vệ tới mức tối đa. Đà Nẵng không thể tự chia cắt mình bởi những “vành đai hội nhập” có thể gây nguy hiểm về mặt quân sự cho thành phố.
Hai lần bị quân xâm lược tấn công đầu tiên, và đều từ ngoài biển vào, đủ cho Đà Nẵng sự cảnh giác cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.