Thách thức

Vũ Hân
Vũ Hân
30/03/2020 04:25 GMT+7

Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang đặt ra một thách thức lớn với việc chống dịch Covid-19 của VN, nhưng thách thức sẽ còn lớn hơn nhiều, nếu không có sự nhanh nhạy tuyệt vời của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Lai Châu.

Với sự lây lan khủng khiếp theo cấp số nhân (tại TP.New York, Mỹ, ca bệnh mới đang tăng gấp đôi sau mỗi 3 ngày, và số tử vong tăng gần như gấp đôi chỉ sau 2 ngày), chống Covid-19 là vấn đề của từng khoảnh khắc. Và một trong những khoảnh khắc lịch sử ở Việt Nam trong cơn đại dịch toàn cầu này đã thuộc về CDC Lai Châu, khi họ đã lập tức lấy mẫu của bệnh nhân 133 - lúc đó chỉ là một bệnh nhân chuyển tuyến về điều trị tại địa phương, và giúp phát hiện ra cả một ổ bệnh lớn.

Nhờ đâu ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện sớm?

Nếu bệnh nhân 133 không được phát hiện sớm, không biết ổ dịch của Bệnh viện Bạch Mai còn lớn đến đâu, khi mỗi ngày có hàng vạn người ra vào và tỏa đi khắp các địa phương. Việc kiểm soát ổ dịch Bạch Mai hiện nay không dễ, với nhiều nghìn bệnh nhân đã được chuyển về các địa phương, và đáng lo hơn, hiện đã phát hiện ít nhất là 1 trong số đó mắc Covid-19 (bệnh nhân 185); với hàng vạn người thuộc diện tiếp xúc; với ít nhất 18 ca bệnh đã được phát hiện, và 4 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện bị “liên lụy”. Nhưng tình thế vẫn cho chúng ta quyền hy vọng. Ít nhất, Bệnh viện Bạch Mai chưa phát hiện một y, bác sĩ nào nhiễm bệnh. Chúng ta đợi bệnh viện hàng đầu này trở lại, rất nhanh, mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành một trong những chỗ dựa của cuộc chiến này.
“Chúng ta đang nhìn vào một đoàn tàu siêu tốc”, Thống đốc bang New York Andrew Coumo mô tả về sự leo thang của tình hình dịch bệnh tại đây. Ngay cả những quốc gia giàu có, hùng mạnh nhất cũng đang bị Covid-19 “dần” cho nhừ tử. Nếu con sóng đã quá lớn, mọi nỗ lực xây đập để ngăn nó lại đều vô ích. Và trên thế giới, cho đến lúc này, dường như không còn quốc gia nào còn dám thử thi gan cùng vi rút, tuy một số, đã từng. Họ cũng đã phải trả giá đắt.
Bên cạnh vấn đề tiền bạc, kinh tế, sinh kế, thậm chí sinh mạng, những tổn thương do dịch gây ra còn là những vết hằn lớn trong tâm lý xã hội, trong tâm hồn mỗi người. Sau mỗi con số đánh dấu bệnh nhân là nhiều số phận của cả một đại gia đình. Mỗi ngày đưa tin về dịch, tuy có những khoảnh khắc phải hít mạnh một tiếng (như khoảnh khắc nghe được về bệnh nhân 133), tôi vẫn thầm thấy biết ơn, vì mình còn nhớ được sau mỗi con số là ai, bao nhiêu tuổi, ở đâu. Chúng ta chưa đến mức nhìn những con số lạnh lùng chỉ là những con số. Cũng như không thể không phẫn nộ những cá nhân không hiểu vì lý do gì tiếp tục thiếu ý thức, khai báo gian dối, quanh co gây khó khăn cho việc kiểm soát chặn đường đi của bệnh dịch.
Bao nhiêu sự nhanh nhạy nữa của đội ngũ phòng chống dịch mà CDC Lai Châu là một ví dụ, cũng sẽ không đủ nếu tiếp tục có những cá nhân kiểu bệnh nhân 34, 178... thiếu ý thức hợp tác với cơ quan y tế.
Sẽ còn phải cảm ơn rất nhiều khoảnh khắc quyết định khác, rất nhiều cá nhân thầm lặng khác, mà chúng ta rồi sẽ có dịp thảnh thơi ngồi kể đến - khi cơn đại dịch qua đi.

Bệnh nhân thứ 178 "làm khổ" ngành y tế Thái Nguyên vì khai báo không trung thực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.