Tết giản lược đi !

18/01/2020 05:04 GMT+7

Tết thì còn dăm hôm nữa mới tới, nhưng vui xuân thì tính ra đã được cả hai tuần rồi.

Lịch hẹn nhậu cứ vậy mà kín mít thời gian. Bạn bè, chiến hữu, bà con, anh em tình thương mến thương quây quần kể ra thì vui quá là vui.
Xã hội Việt Nam dịp tết cứ như một “siêu lễ hội”. Đường sá xe cộ chen chúc. Cửa ngõ TP lớn thì kẹt xe đến kiệt sức. Và con người thì dường như ai cũng hối hả lao vào một cuộc đua nước rút.
Người đi xa quê làm ăn, thương cha mẹ, nhớ con cái cả năm trời ròng rã đều tìm cách đáp đền, bù đắp trong chuyến về quê ăn tết. Thì cũng theo lẽ đó, cả năm mới về nên vui thì phải vui cho hết nấc. Thế là tiền bạc làm lụng vất vả cả năm trời nhiều khi trút hết vào tết, nghĩ cũng xót.
Người ở phố thì tết là kỳ nghỉ dài để được thảnh thơi với gia đình, với láng giềng chòm xóm, với bạn bè anh em, thế nên cũng là dịp bày ra chuyện hẹn hò nhậu nhẹt tiệc tùng cuối năm. Đã vui rồi thì khó tránh khỏi chuyện quá đà. Quá giờ quá giấc, quá vui quá ồn, nhậu thì dễ say, say thì muốn hát. Loa kẹo kéo, loa gia đình cứ thế mà thi nhau kích hoạt niềm vui. Thế là cái dịp để thảnh thơi, để vui nhiều khi lại gây phiền toái cho gia chủ, cho láng giềng.
Nào phải ngẫu nhiên mà câu than thở “Đang yên đang lành bỗng dưng tết” trở thành câu nói tạo trend (xu hướng) trên mạng xã hội. Công việc ngưng trệ, năng suất giảm. Đi lại tắc nghẽn, tốn thời gian. Giá cả đắt đỏ, phí tiền bạc. Nhịp sống náo loạn, kiệt cả sức.
Vẫn biết là vui xuân rồi đó, nhưng mà thiếu “điểm dừng” để tự cân chỉnh cho hài hòa mọi nhẽ, thì e rằng xuân tuy có vui, nhưng trả giá cho vui xuân thì lại quá đắt.
Năm nay có thêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt nặng người đã uống rượu bia mà còn lái xe, thế là chuyện nhậu nhẹt tất niên say xỉn bớt hẳn, thống kê sơ bộ cho thấy tai nạn giao thông, đánh nhau gây hấn có nguyên nhân từ say xỉn giảm đáng kể. Có khi, nhờ thế mà tết bớt đi không ít chuyện buồn.
Năm nay cũng sôi nổi tranh cãi chuyện có nên bỏ tết âm lịch hay không. Người cho còn tết thì còn nghèo, người lại cho dẹp tết đi thì có chắc hết nghèo không. Tranh cãi nghe sôi nổi vậy thôi, nhưng hóa ra đều có một điểm chung là “ám ảnh” tâm lý quanh câu chuyện tết. Ám ảnh về sự tốn kém và lãng phí nhiều mặt. Ám ảnh về chuyện buồn vui không thể thiếu của đời người với tết. Người đưa ý kiến bỏ tết và người bảo lưu quan điểm giữ tết xét cho cùng cũng đều muốn người Việt mình được vui, được hạnh phúc.
Thế thì có chuyện dễ đồng ý với nhau hơn, là tết giản lược đi những phiền toái do chạy đua về tiền bạc, thôi tị nạnh chuyện lì xì, giảm nhậu nhẹt, ăn uống linh đình, bớt hát hò ồn ã. Tết ấm áp, nhẹ nhàng thì sẽ chẳng bao giờ là tết ám ảnh trong lòng ai cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.