"Tây" làm, sao ta không làm được!

29/10/2005 23:39 GMT+7

Nhiều người quen cách nghĩ, những gì khó thì "Tây làm chứ ta không làm được". Tại sao không nghĩ ngược lại "Tây làm được thì ta cũng làm được"?

Chính ý nghĩ "ngược lại" này đã giúp anh Phạm Hồng Quang (Công ty phần mềm tự động hóa thiết kế, 95A Lý Nam Đế, Hà Nội) tạo nên những thành công khiến anh được mệnh danh là nhà khoa học của thực tiễn.

Cách đây mấy tháng, khi chúng tôi phỏng vấn lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam về lộ trình triển khai thi bằng lái xe trên máy tính, ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Cục Đường bộ khẳng định: "Thi lấy bằng lái trên máy tính là một giải pháp văn minh, hạn chế được các tiêu cực mà báo chí đã nói nhiều. Tuy nhiên, cái khó của vấn đề là chúng ta chưa thể sản xuất được hệ thống này mà nhập khẩu thì rất đắt". Bây giờ thì nỗi niềm băn khoăn của vị lãnh đạo trên đã được giải tỏa. Anh Phạm Hồng Quang và các cộng sự của mình đã nghiên cứu thành công mô hình chấm điểm thi thực hành lái xe bằng hệ thống máy tính. Được biết một số địa phương đã đầu tư lắp đặt hệ thống chấm điểm tự động cho các trung tâm sát hạch, những thiết bị này đều được nhập từ Hàn Quốc, áp dụng công nghệ dùng ống hơi. Quang cho rằng hệ thống đó tốt nhưng không phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam nên anh đã chọn cách khác, dùng nam châm và cảm ứng từ để phát hiện các lỗi của thí sinh. Tất cả hệ thống máy tính đặt trên ô tô, thiết bị ăng-ten, phần mềm chương trình... đều do nhóm của Quang chế tạo. Đặc biệt, so với hàng của nước ngoài, giá thành của hệ thống rẻ hơn rất nhiều. Quang tâm sự: "Đối với tôi cái khó không phải là phải nghĩ ra cái này hay cái khác mà là cơ chế". Sau hai năm trời, mới đây đề tài của Quang mới được các cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải nghiệm thu cho lắp đặt thử.

Với đường sắt, Quang có dự án hệ thống cảnh báo đường. Người ta đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng, mua các thiết bị của nước ngoài để lắp đặt cho hệ thống cảnh báo đường ngang, sau khi sử dụng một thời gian thì báo chí lên tiếng là "cảnh báo điên": khi tàu đến thì không đổ chuông, tàu không đến lại kêu ầm ĩ. Anh Quang giải thích: "Công nghệ mà nước ngoài ứng dụng vào cảnh báo đường ngang là cảm biến từ. Cảm biến từ rất chính xác với điều kiện lắp đặt cơ khí cũng phải cực kỳ chuẩn. Sai một tí là nó báo sai ngay". Ở hàng chục năm gần đường tàu, cảm giác nhà rung lên bần bật mỗi khi có tàu chạy qua đã trở nên quen thuộc với anh. Cũng từ cảm giác ấy mà anh đã nảy ra ý nghĩ áp dụng công nghệ cảm biến địa chấn vào hệ thống cảnh báo đường ngang. Đưa ra ý tưởng này, một số người có trách nhiệm của ngành đường sắt cho rằng đó chỉ là ảo tưởng, vì theo họ "Tây người ta có làm thế đâu". "Vận may" cũng tìm đến, một người quen làm ngành đường sắt bật mí: "Điểm giao cắt đường sắt với đường bộ ở Thượng Cát (Gia Lâm, Hà Nội) rất nguy hiểm, chưa được ngành đầu tư làm cảnh báo, ông thử làm xem". Chỉ đầu tư có mấy chục triệu đồng mà suốt bốn năm qua hệ thống cảnh báo đường ngang ở Thượng Cát vẫn bền bỉ hoạt động. Đề tài đã được nhận giải thưởng Cúp vàng châu Á Thái Bình Dương về ứng dụng công nghệ thông tin vào công nghiệp và truyền thông.
Mới đây, Quang lại tiếp tục nghiên cứu về hệ thống cảnh báo tốc độ trên tàu và hệ thống này đã được gắn chạy thử trên một số tàu Thống Nhất, đem lại nhiều tiện ích...

"Tây làm thì ta cũng làm được, và có khi còn làm tốt hơn", trường hợp của anh Phạm Hồng Quang là một minh chứng sinh động.

Minh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.