Sự 'vô tư' chết người

05/01/2016 05:20 GMT+7

Đi bộ ngắm cảnh, bắt xe, thả rông trâu bò, rải vàng mã, rồi ngang nhiên tháo tấm chống lóa , dải phân cách trên đường cao tốc...

Đi bộ ngắm cảnh, bắt xe, thả rông trâu bò, rải vàng mã, rồi ngang nhiên tháo tấm chống lóa, dải phân cách trên đường cao tốc...

Sự vô tư chết người của một bộ phận nhỏ những người thiếu ý thức đang biến những con đường mới đầu tư hàng nghìn tỉ đồng thành những “điểm đen” tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
Một doanh nghiệp chuyên làm đường cao tốc đã ngán ngẩm kể lại, có những điểm doanh nghiệp phải thay tới 3, 4 lần hàng rào lưới và tấm chống lóa. Vì cứ lắp hôm trước, đến hôm sau cả mảng hàng rào đã... mất tích. Doanh nghiệp nhiều khi bất lực, trong khi việc xử lý của cơ quan chức năng, nhất là các địa phương dọc tuyến đường đi qua lại trong tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".
Trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua Yên Bái, hàng chục hộ dân tại Trấn Yên, Văn Yên nhiều lần tự ý phá dỡ hàng rào lưới B40 để mở lều quán bán nước uống, đổ nước mui xe tải. Năm 2015, Yên Bái đã kiểm tra phát hiện tới 75 điểm bị phá rào chắn, nhưng cũng mới chỉ yêu cầu người dân rào lại được 32 điểm.
Chủ đầu tư các dự án mở rộng QL1, QL51... đi qua tỉnh Quảng Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu từng phải gửi văn bản kêu cứu đến cơ quan chức năng về tình trạng người dân tháo dỡ dải phân cách gây mất an toàn giao thông. Trong khi gần như lực lượng chức năng không phát hiện, bắt quả tang được trường hợp nào dù đã “mật phục”, thì nạn tháo dỡ dải phân cách lại ngày càng gia tăng. Như tại Bình Định, chỉ riêng đoạn QL1A đi qua tỉnh này đã có hơn 70 điểm bị tháo dỡ tấm lưới chống lóa. Dọc cao tốc TP.HCM - Trung Lương hay TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhiều điểm người dân đã cắt rào chắn để băng qua đường đi làm ruộng, vác lúa, phóng xe máy... vô tư như đường làng mình.
Lỗi của người dân nhiều nơi là quá “hồn nhiên”, chỉ vì chút tiện lợi muốn đi quãng đường ngắn hơn mà sẵn sàng phá rào chắn làm lối băng qua cao tốc. Nhưng lỗi thành hệ thống phổ biến hơn lại là tình trạng phá rào chắn có tổ chức để lập ra các điểm bán hàng ăn, rửa xe, xe dù bến cóc... trái phép ngay trên cao tốc, ngay trước mắt lực lượng quản lý tại các địa phương. Nhưng vì lý do nào đó, việc xử lý với những hành động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trên lại chưa quyết liệt và triệt để, thậm chí nhiều nơi có phần bất lực, trong khi tính mạng người dân đang hằng ngày bị đe dọa.
Không hiếm những cái chết thương tâm đã xảy ra. Như trường hợp một người đàn ông 50 tuổi đi bộ băng qua cao tốc Long Thành - Dầu Giây bị xe du lịch tông chết, và nhiều trường hợp khác phóng xe máy lên cao tốc, ô tô tông trực diện bị thương nặng, thậm chí tử vong. Sẽ còn nhiều cái chết thương tâm như thế xảy ra một khi nhiều người vẫn duy trì “văn hóa làng trên cao tốc”, vô tư đùa giỡn với chính mạng sống của mình, và cơ quan quản lý vẫn còn lơ là, coi nhẹ xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.