Sứ mạng người thầy

Huỳnh Sang
Huỳnh Sang
09/07/2020 04:40 GMT+7

Chữ “thầy” không bị gói gọn trong ngành giáo dục thuần túy. Rộng hơn, lĩnh vực nào cũng cần có thầy. Thành ra, hai chữ “ giáo dục ” hiểu theo nghĩa dạy bảo, định hướng thì bao trùm mọi ngành nghề.

Bóng đá cũng vậy, chúng ta ít nhiều đã từng nghe kiểu xưng hô, giao tiếp thầy - trò tại sân bóng hay ngoài đời giữa HLV và cầu thủ. Thế nhưng để thật sự là người thầy thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.
Trong bóng đá hiện đại ngày nay, HLV không đơn giản chỉ làm công việc huấn luyện chuyên môn. Nếu một HLV chỉ dạy, hướng dẫn chơi bóng thuần túy thì khó mà thành công. Dù có nhiều trợ lý phụ trách từng khâu thì đòi hỏi một HLV trưởng chuyên nghiệp càng phải thể hiện tầm quản lý. Họ phải thông hiểu ê kíp làm việc, hiểu cầu thủ, định hướng, động viên, khích lệ, thậm chí điều chỉnh, uốn nắn cho học trò từng chút một. Vì vậy mà trọng trách của người thầy còn gắn với sự gương mẫu và trách nhiệm trong hành xử cá nhân. Không làm được điều đó, thì chữ thầy chỉ đơn giản là cách gọi mà học trò dành cho người lớn tuổi hơn, người đi trước, chứ không bao gồm sự nể trọng hay tôn kính gì cả!
Lâu nay, người theo nghiệp bóng đá hay bị ví như “đội quân quần đùi áo số”, bị đánh giá thấp về chỉ số “tri thức” và độ khéo léo trong hành xử, trong chiều sâu văn hóa. Nhưng thực tế không phải vậy! Đó chỉ là cách nhìn phiến diện của thiểu số.
Thực chất môi trường bóng đá luôn có những con người rất đáng trân trọng. Bóng đá dù chỉ là một trò chơi, một môn thể thao thì nó vẫn là phương diện tích hợp những điều hữu ích về cuộc đời. Ở đó người ta có thể rút ra bài học về tinh thần tập thể, về tạo dựng giá trị cộng đồng, về tư duy khoa học, về tư duy phản biện, về tính kỷ luật, về rèn luyện sức khỏe, về tôn ti trật tự, về sự nêu gương của người thầy, và nhất là học cách tôn trọng luật chơi, tôn trọng quy định của nhà tổ chức.
Câu chuyện của HLV Hứa Hiền Vinh là một bài học về sự giữ gìn, trui rèn, gương mẫu của người thầy. Đã ngồi ở vị trí này thì phải “nhịn được những điều mà người thường không nhịn được”, nhằm nêu gương, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, hình ảnh “người cầm lái”, kể cả thương hiệu của đội bóng. Cho nên không phải cứ sau một tình huống sai của đối phương, của trọng tài thì người ta cứ lao vào sân để ăn thua đủ, thậm chí phát ngôn, chỉ trích cho sướng miệng. Tức là dùng cái sai này để đối lại cái sai kia. Người HLV, người thầy được giao nhiệm vụ "cầm lái", thế nhưng bản thân không kiềm chế được và bị cuốn theo những thứ sân si thì bảo sao học trò không loạn cả lên?
Tiếc là kiểu hành xử trên vẫn còn xảy ra không ít ở các giải đấu bóng đá tại VN. Vấn đề là VFF, VPF, BTC các giải đấu có đủ bản lĩnh để xử lý mạnh tay, đúng người, đúng việc hay không, nhằm giúp bóng đá Việt Nam được vận hành ngày một chuyên nghiệp hơn!?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.