Sự kịp thời và lòng tin

18/11/2014 03:00 GMT+7

Tại phiên thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn hôm qua, thay vì yêu cầu các bộ trưởng phải “quyết liệt” như tại các kỳ họp trước, nhiều đại biểu Quốc hội lại nhắc đến yếu tố “ lòng tin ” như một điều kiện tiên quyết trong công cuộc chống tham nhũng.

Cách tiếp cận này dường như là một nhận thức mới của các ĐBQH sau nhiều năm chứng kiến những “quyết liệt” có vẻ không có hiệu quả trên thực tế.

Nếu so sánh chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hay chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) 2013 với những số liệu về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ được trình bày trước QH hôm qua, rõ ràng có nhiều điều đáng suy nghĩ. Theo TI, VN xếp hạng 116/177 quốc gia, vùng lãnh thổ, còn PAPI 2013 cho biết tham nhũng và hối lộ trong khu vực công vẫn còn là vấn đề thường trực ở nhiều ngành, lĩnh vực. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2013 có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó có trên 27.400 cán bộ, công chức, viên chức đã bị chuyển đổi vị trí công tác.

Thực ra mà nói, quyết tâm chính trị của chúng ta rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa đáp ứng được yêu cầu chính bởi yếu tố con người và niềm tin chưa đáp ứng. Vì sao “cán bộ không đòi hối lộ” như quan chức nào đó từng nói trên truyền hình mà người dân cứ đưa? Vì thực ra người ta không còn niềm tin với “anh” cán bộ.

Để xây dựng lòng tin của người dân vào “cán bộ nhà nước” và cơ quan công quyền, điều quan trọng nhất là phải có những suy nghĩ, cách làm, cơ chế tạo sự minh bạch. ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đưa ra một dẫn chứng rất đáng suy ngẫm: chất vấn của một số ĐBQH liên quan đến tài sản, công tác cán bộ của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã được QH “kịp thời” yêu cầu Chính phủ báo cáo. Nhưng cho đến nay các thông tin phản hồi lại chưa “kịp thời”, rõ ràng.

Đúng là đối với những vụ việc càng nhạy cảm thì việc tuân thủ một quy trình xử lý để đảm bảo khách quan, công bằng lại càng cần thiết. Nhưng cái mà người dân mong đợi là sự minh bạch, công khai kịp thời chứ không phải để mọi chuyện dần đi vào dĩ vãng. Mà đúng như ĐB Lê Nam cảnh báo: “Đụng chạm đến cán bộ cao cấp, càng cao thì càng phải công khai, minh bạch, còn cứ âm ỉ chung chung thì nhân dân không tin. Chúng ta có nói bao nhiêu nhân dân không tin, nếu không làm nghiêm từ trên đầu mà chỉ làm từ vai trở xuống thì nhân dân không tin chúng ta đâu”.

Nguyên Phong

>> Vỡ lòng tin
>> Mức độ của lòng tin
>> Chỉ sợ mất lòng tin của dân
>> Xây dựng lòng tin chiến lược là hành động!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.