Sự chủ động cần thiết

12/04/2020 06:52 GMT+7

Chủ động chuẩn bị kế hoạch sau dịch Covid -19 là việc mà mỗi cá nhân và cả xã hội phải tính từ lúc này.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến ngày 10.4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có khả năng trong quý 2, nhất là từ tháng 6, Việt Nam sẽ chuyển nền kinh tế, đời sống sang trạng thái bình thường mới, tức có người nhiễm Covid-19 nhưng không có dịch.
Phát biểu của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã cho thấy sự chuẩn bị cần thiết bởi trạng thái hiện nay đang “đóng băng” gần như hoàn toàn các hoạt động kinh doanh, giải trí, sinh hoạt để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Nên từ người bán vé số, gánh hàng rong, quán cơm vỉa hè cho tới các doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ đều tạm ngưng hoặc chuyển sang hoạt động cầm chừng, dẫn đến thất nghiệp, thu nhập giảm, sản xuất đình trệ, kinh tế đối mặt với suy thoái.
Tất nhiên lúc này, chống dịch là quan trọng nhất nên chúng ta đều phải đồng lòng, dốc sức, chấp nhận những thiệt hại về kinh tế, sinh hoạt để chung tay với Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng chưa có vắc xin thì chưa thể loại trừ được hoàn toàn vi rút Covid-19 ra khỏi đời sống. Thế nên, nếu kiểm soát được số người nhiễm ở mức thấp thì việc chuyển sang trạng thái mới là điều phải tính đến. Ông Nhân cũng nói rất rõ, trạng thái mới là “có người nhiễm nhưng không có dịch”. Có người nhiễm thì vẫn phải thận trọng, cảnh giác; nhưng không có dịch thì các hoạt động kinh tế, đời sống phải được kích hoạt trở lại.
Phát biểu này cũng cho thấy sự chủ động của chính quyền, từ đó gợi mở cho DN, người dân chủ động lên kế hoạch sau dịch. Phải thừa nhận, dịch bệnh đã làm thay đổi rất nhiều thói quen sinh hoạt, học tập, làm việc, kinh doanh... cho đến quan điểm, tư duy... Những DN phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc sẽ phải cân nhắc tới việc tìm đối tác mới nhằm chia sẻ rủi ro, để không lặp lại cảnh hàng ngàn xe chở hàng đứng chờ ở cửa khẩu biên giới trong vô vọng như vừa qua; dịch vụ hành chính công có cơ hội chuyển hoàn toàn sang trực tuyến, rút ngắn thời gian, công sức, tiền bạc cho người dân; môi trường trong nước phải cải thiện triệt để các hạn chế để thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là những tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách chuyển ra khỏi Trung Quốc sau đợt dịch lần này.
Và mỗi chúng ta, sau một thời gian sống chậm sẽ trân trọng hơn những khoảng thời gian sum họp với gia đình mà cuộc sống vội vã trước kia ít khi có được. Chúng ta đều biết, sau suy thoái bao giờ cũng là quãng thời gian các nền kinh tế tìm cách bứt tốc. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị, chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau khi dịch bệnh qua đi.
Tất nhiên trong bối cảnh hiện nay, mọi cái đều có thể xảy ra. Như hồi đầu tháng 3 khi 16 ca bệnh Covid-19 được chữa khỏi, 21 ngày không có thêm ca mắc mới, chúng ta đã chuẩn bị tinh thần công bố hết dịch. Thế nhưng ngay sau đó, một loạt ca nhiễm mới lại được phát hiện và Việt Nam bước vào giai đoạn 2 chống dịch. Nhưng như nói trên, dịch bệnh chưa biết bao giờ qua đi và cuộc sống thì vẫn tiếp diễn. Thế nên chủ động chuẩn bị kế hoạch sau dịch là việc mà mỗi cá nhân và cả xã hội phải tính từ lúc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.