Sốt xuất huyết và trách nhiệm

11/09/2019 04:57 GMT+7

Ở xứ nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều như VN thì chuyện hằng năm phải chiến đấu chống dịch bệnh sốt xuất huyết khó mà tránh khỏi. Nhưng vấn đề là những ai sẽ có trách nhiệm “tham chiến” cao nhất?

Chắc chắn rồi, phải là ngành y tế chủ động “tham chiến” trước. Cũng là ngành y tế thì mới biết nên làm những việc gì là tốt nhất, cần thiết nhất để ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tuyên truyền trước mùa có khả năng phát sinh dịch bệnh. Tiến hành kiểm tra môi trường sống ở những nơi có nguy cơ cao. Chủ động phun thuốc diệt muỗi, loăng quăng để kiểm soát nguy cơ.
Chắc chắn rồi, chính quyền ở từng địa phương, nhất là ở những vùng có nhiều yếu tố nguy cơ phát dịch SXH cũng phải “tham chiến” sớm, hành động có trách nhiệm và quyết liệt để huy động lực lượng y tế địa phương thực hiện các kế hoạch hiệu quả nhằm phòng dịch SXH.
Những gì diễn ra hằng năm cũng cho thấy một điều, nếu thiếu sự “tham chiến” có trách nhiệm của cộng đồng, của người dân thì cuộc chiến với muỗi năm nào cũng có những thất bại đáng tiếc. Ý thức của cộng đồng dân cư trong việc thực hành những chỉ dẫn đơn giản để tránh bị muỗi đốt và hạn chế môi trường sản sinh muỗi, loăng quăng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh SXH.
Chúng ta luôn mong đợi ý thức hành động tự giác của người dân trong cuộc chiến với muỗi. Tuyên truyền tích cực và hiệu quả hơn để chỉ dẫn người dân “tham chiến” tích cực chống phát sinh dịch SXH là điều cần được đặt vào quyết tâm của ngành y tế, của chính quyền địa phương.
Nhưng kết quả là chúng ta vẫn không tránh được những thất bại cay đắng trong cuộc chiến với muỗi và dịch bệnh SXH. Con số của một địa phương như Đồng Nai có thể khiến người đọc giật mình: từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 11.600 ca mắc SXH (tăng 2,65 lần so với cùng kỳ 2018), trong đó có 2 ca tử vong.
Trước những thất bại như thế thì cần phải quay ngược lại để xem xét mức độ và trách nhiệm các bên liên quan hòng tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Là y tế địa phương “tham chiến” chậm, thụ động? Hay là chính quyền địa phương thờ ơ không quan tâm đúng trách nhiệm nên không “tham chiến” sớm để triển khai kịp thời các hành động phù hợp? Hay là vì chính người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết nên chẳng chịu “tham chiến”, cứ duy trì những nếp sinh hoạt tùy nghi thuận tiện mà chẳng quan tâm đến chuyện muỗi mòng, nhiều khi vì thế mà gây ra những ổ gây bệnh SXH ngay trong nhà, ngay trước nhà?
Vậy nên mới có ý tứ từ phát biểu của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rằng, phải xử lý những hộ dân để muỗi trú ngụ, sinh sản và phát triển khiến cho công tác dập dịch gặp khó khăn. Nói như thể dân cố tình “nuôi” muỗi.
Thay cho thời gian ngồi nghiên cứu biện pháp chế tài với trường hợp dân “nuôi” muỗi, có lẽ các cơ quan y tế nên dành thời gian theo dõi tình hình, chủ động “tham chiến” sớm để giúp dân diệt muỗi bằng những biện pháp chuyên môn thì còn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.