Sống có trách nhiệm

06/04/2020 04:20 GMT+7

Hôm qua, Việt Nam chỉ ghi nhận 1 bệnh nhân Covid-19 là ca xâm nhập (trở về từ Anh), sau nhiều ngày liên tiếp số ca nhiễm ở mức 2 con số.

Sau khi chặn hoàn toàn các nguồn lây từ bên ngoài, chúng ta đang bước vào giai đoạn chống lây nhiễm trong cộng đồng.
Thông tin từ các tỉnh cho đến hôm qua cho biết, bệnh nhân về từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai đều cơ bản được xác nhận âm tính với SARS-CoV-2. 91/241 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh.
Nhưng với tỷ lệ hơn 30% ca bệnh hiện được xác định là lây nhiễm trong cộng đồng và đặc biệt như ca bệnh 237 tại Hà Nội, hoàn toàn không xác định được nguồn lây, chưa cho phép chúng ta được chủ quan.
Đúng là với việc kiểm soát khá tốt sự lây lan trong cộng đồng, hiện chúng ta ghi nhận tỷ lệ các ca F2, F3 mắc bệnh rất thấp, bệnh cảnh đều nhẹ, song tỷ lệ hơn 60% các ca bệnh không có triệu chứng bắt buộc chúng ta phải kiên trì hơn nữa các biện pháp chống lây nhiễm chéo, trong đó cách ly xã hội là bắt buộc. Bởi lẽ SARS-CoV-2 có thể gây nhiễm bất cứ ai và dẫn đến việc lây truyền vi rút trước khi người bệnh có các triệu chứng, thậm chí cũng có những người nhiễm vi rút không có triệu chứng.
Việt Nam đã cách ly xã hội ở giai đoạn rất sớm so với các nước trên thế giới, khi các ca bệnh được ghi nhận dưới 20/ngày (các nước chỉ áp dụng biện pháp này khi số lây nhiễm trong ngày từ 50 ca trở lên), điều đó là cần thiết nhằm ngăn chặn lây lan trên diện rộng, khi xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, tránh tạo áp lực lên hệ thống y tế.
Còn nhiều tranh cãi về các biện pháp mạnh tay và cứng rắn hơn cả “cách ly xã hội” mà Chỉ thị 16 cho phép, các địa phương đang áp dụng như: không cho xe ngoại tỉnh ra vào địa bàn, cách ly bắt buộc đối với người đến từ Hà Nội, TP.HCM, đóng cửa các công trình xây dựng, phạt người ra đường “không đúng mục đích”… Nhưng có vẻ như trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa lây lan cộng đồng như hiện nay, những vấn đề về pháp lý ấy đều được thể tất.
Mục đích tối cao bây giờ là phải giãn cách xã hội để chống lây lan, và rằng “ở nhà là yêu nước”.
Trong cơn khủng hoảng hiện tại, chúng ta có thể nhìn rõ hai loại hành vi. Chúng ta có những người không có trách nhiệm xã hội, những người với thái độ "tôi chẳng quan tâm" và vẫn vui chơi, tiệc tùng.
Họ chẳng nghĩ đến hậu quả cho bạn bè, người thân nếu chẳng may lây nhiễm, càng không nghĩ đến gánh nặng mà họ mang đến cho hệ thống y tế vốn không khỏe mạnh. Lại có những người lo sợ thái quá, thiếu hiểu biết, thiếu niềm tin vào các khuyến cáo từ các cơ quan chức năng, lao đến siêu thị chen lấn, tích trữ đồ.
Đừng là ai trong 2 loại hành vi đó, hãy là người sống có trách nhiệm (với bản thân, gia đình và cộng đồng), bằng cách thật đơn giản: hiểu rõ và đầy đủ về đại dịch, tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ, và thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Nếu mọi người nghiêm túc tự cách ly mình và gia đình khi có thể; áp dụng các biện pháp sát khuẩn và ngăn ngừa vi rút (rửa tay và đeo khẩu trang đúng cách) khi đi làm hoặc đến nơi công cộng (chợ, siêu thị), chúng ta sẽ cùng nhau đi qua đại dịch an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.