Sống chung với biến đổi khí hậu

26/06/2010 00:04 GMT+7

ĐBSCL được xác định là một trong ba vùng đồng bằng dễ bị tổn thương nhất vì tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải biết cách sống chung với nó.

Trong tuần, liên tiếp hai hội thảo quốc tế về chủ đề BĐKH được tổ chức tại Kiên Giang. Các cuộc hội thảo này đã công bố nhiều kết quả nghiên cứu về tác hại mà BĐKH đã gây ra ở ĐBSCL.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (ĐH Cần Thơ) cho thấy: Sự xuất hiện và tác động của thời tiết bất thường sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa. Nhiều nông dân nhận thấy cứ 3 - 4 năm thì nhiệt độ cực lạnh hoặc mưa lớn lại xuất hiện trong suốt tháng 1 và tháng 2. Hiện tượng thời tiết trên đã gây thiệt hại khoảng 10% tổng sản lượng bình quân (tức khoảng 0,6 tấn/ha). Qua khảo sát thực tế và thống kê của nhóm nghiên cứu, cứ 5 - 6 năm sẽ có một trận hạn hán khốc liệt, gây thiệt hại khoảng 40% sản lượng (khoảng 1,8 tấn/ha).

Còn người dân ở tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang thì nghiệm ra chu kỳ khoảng 3 - 4 năm sẽ có một đợt tôm chết hàng loạt. Thiệt hại bình quân được ước tính khoảng 215 kg tôm/ha, bằng 76% sản lượng bình quân trong năm. Theo nghiên cứu của viện thì ảnh hưởng tiêu cực nhất giữa nhiệt độ không khí trung bình và sản lượng tôm xảy ra vào khoảng tháng 3 hằng năm. Và nếu nhiệt độ tăng 10C thì sản lượng tôm sẽ giảm 0,7 tấn/ha.

Nghiêm trọng hơn, tác động của BĐKH còn có thể gây tổn thương cho hệ sinh thái. GS-TSKH Lê Huy Bá (Viện KHCN và Quản lý môi trường - ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng: Sự tăng lên của nhiệt độ tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm dịch chuyển các ranh giới nhiệt của các hệ sinh thái lục địa và hệ sinh thái biển, làm thay đổi cơ cấu các loài thực vật và động vật ở một số vùng. Chế độ nhiệt xích đạo sẽ lan rộng lên ĐBSCL. Nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa, giết chết nhiều loài động, thực vật nước ngọt của hệ sinh thái thủy sinh và ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt cũng như hệ thống canh tác, cơ cấu cây trồng của nhiều vùng. Sự thích nghi không tốt với BĐKH đã khiến đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng.

BĐKH là một tất yếu sẽ xảy ra. Chính vì vậy, theo TS Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu BĐKH - ĐH Cần Thơ), chúng ta nên bắt đầu học cách “sống chung với BĐKH”! Giải pháp sống chung với BĐKH của ông Tuấn gồm 2 nội dung giảm nhẹ và thích nghi. Theo đó, sẽ bao gồm các biện pháp như: trồng cây quanh nhà, tái sử dụng và tái chế chất thải, trữ nước trong từng hộ gia đình và sử dụng tiết kiệm, điều chỉnh thời vụ, chọn cây giống, con giống có tính kháng chịu bất lợi về thời tiết… bên cạnh đó là việc nâng cao nhận thức của người dân về BĐKH và cảnh báo thiên tai. Ông Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT (Sở TN-MT TP Cần Thơ) đề xuất: Xây dựng đê bao biển và đê sông để chống xâm nhập mặn và tăng khả năng điều tiết nước, bảo đảm cho cư dân sống tại chỗ với rất ít thay đổi.

Mang đến kinh nghiệm trị thủy từ Hà Lan, ông Jean Henry Laboyrie, Giám đốc dự án – Công ty tư vấn Hà Lan Royal Haskoning cho rằng, giải pháp hiệu quả cho Việt Nam là duy trì hệ thống rừng ngập mặn ven biển.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.