Sim rác

02/08/2012 03:40 GMT+7

Gần hai tháng sau khi Thông tư số 04 Quy định về quản lý thuê bao di động trả trước của Bộ Thông tin - Truyền thông (TT -TT) chính thức có hiệu lực (1.6), tình trạng lưu thông sim rác vẫn diễn ra bình thường như trước đó.

Khảo sát của Thanh Niên tại một loạt “chợ” sim ở Hà Nội, TP.HCM… cho thấy mặc dù đã có các quy định cấm lưu thông, mua bán sim “rác” (sim được kích hoạt sẵn) nhưng việc giao dịch vẫn rất công khai.

Lẽ thường, khi có yêu cầu ngăn chặn, cứ cho là chưa quyết liệt, thì sim “rác” phải trở nên khan hiếm hơn và kéo theo là nếu có bán giá cũng phải cao hơn. Thế nhưng thực tế cho thấy giá cả cũng như số lượng sim “rác” trên thị trường vẫn khá “bình ổn”, điều này cho thấy nguồn cung vẫn không có gì bị ảnh hưởng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2012 của ngành TT-TT  tổ chức ngày 9.7 tại Hà Nội, chính Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cũng nhìn nhận sau khi Thông tư 04 Quy định về quản lý thuê bao di động trả trước có hiệu lực, vẫn tồn tại việc sim trả trước đã được kích hoạt bán sẵn tràn lan. Bộ trưởng cho biết sẽ yêu cầu Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan “giải quyết từ gốc”, chế tài ngay các nhà mạng để xảy ra tình trạng này vì đây chính là nguồn cung cấp, kích hoạt sim đa năng (có chức năng đăng ký thông tin cho thuê bao di động) ra thị trường.

Trong khi đó, các mạng di động luôn đưa ra nhiều lý do để khẳng định mình “vô tội” trong vấn đề sim “rác” như chưa có hệ thống CMND điện tử từ Bộ Công an để đối soát; việc kích hoạt tràn lan thuê bao trả trước là do các đại lý... Nhưng một chuyên gia viễn thông đề nghị không nêu tên khẳng định, vấn nạn sim “rác” thực ra hoàn toàn  có thể giải quyết được nếu các nhà mạng thực sự muốn làm.

Còn vì sao chưa muốn làm thì câu trả lời rất dễ thấy: sim “rác” giúp các mạng thúc đẩy doanh số, chưa kể đây còn là “nguồn hỗ trợ” cho dịch vụ tin nhắn rác, vốn đem lại rất nhiều lợi ích cho nhà mạng.

Hiện có những công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) được dựng nên chỉ nhằm mục đích chuyên phát tán tin nhắn rác. Mức độ ăn chia dịch vụ giữa nhà mạng và các CP dao động từ 55-75%, trong đó phần lớn thuộc về nhà mạng. Cụ thể, khi người tiêu dùng có bị lừa mất 15.000 đồng cho một tin nhắn tới một đầu số nào đó (ví dụ 8xxx, 9xxx) thì có ít nhất từ 8.000 - 10.000 đồng vào túi nhà mạng. Người dùng hầu như không biết khiếu nại với ai, ở đâu và thường tặc lưỡi cho qua khi khoản tiền bị trừ không lớn. Đây cũng là một trong những lý do nhà mạng sẽ không bao giờ chống tin nhắn rác một cách triệt để.

Trường Sơn

>> Sẽ chế tài nhà mạng để tồn tại sim rác
>> Sim "rác" kích cầu cho 3G
>> Sim “rác” lại tràn ngập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.