Sao chưa hủy dự án ?

20/10/2017 06:24 GMT+7

Sau chỉ đạo của Thủ tướng tạm dừng chuyển đổi rừng, Vĩnh Phúc đã công bố hủy dự án chuyển đất rừng phòng hộ thành rừng sản xuất để làm dự án nghĩa trang.

Một lý do quan trọng dẫn đến quyết định này là phản ứng của dư luận.
Gần như 100% người dân ở xã Bồ Lý, núi Ngang (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) không đồng ý với chủ trương phá bỏ rừng phòng hộ để làm nghĩa trang. Bởi núi Ngang không chỉ để phòng chống xói mòn, sạt lở do mưa, lũ ống, lũ quét mà còn là nơi có đền thờ Lỗ Đinh Sơn Thất Vị Đại Vương được nhân dân dựng lên để tưởng nhớ công ơn các anh hùng có công đánh giặc bảo vệ quê hương. Nên với người dân Bồ Lý, núi Ngang chứa đựng một ý nghĩa tâm linh hết sức thiêng liêng. Bên cạnh đó, hầu hết các chuyên gia hàng đầu về môi trường đã phân tích những hệ quả cũng như tầm quan trọng của núi Ngang. Đặc biệt, những hệ quả đó đang diễn ra ngay tại thời điểm này, khi những cơn lũ, những vụ sạt lở đất gây ra những tai họa thảm khốc cho con người cả về tính mạng và của cải mà không có sự phát triển nào có thể đánh đổi.
Trên thực tế, có rất nhiều lý do và nhiều cách để lãnh đạo các địa phương có thể "hô biến" đất rừng thành các dự án phát triển kinh tế mà GS Đặng Hùng Võ gọi là "phá rừng hợp pháp". Nhưng pháp luật có thể lách qua được, còn đạo đức thì rất khó lách. Một dự án có thể mang lại một số công ăn việc làm cho người địa phương, có thể góp một chút vào tăng trưởng kinh tế, thậm chí tạo nên gam màu sáng cho một nhiệm kỳ lãnh đạo. Nhưng người đứng đầu một địa phương sẽ phải đối diện với "đạo làm quan" khi đằng sau những dự án đó là hàng ngàn người dân mất rừng, mất kế sinh nhai; khi những cơn lũ quét bay cả nhà cửa, sinh mạng của những người gắn bó cả đời với đất, với rừng; khi môi trường bị hủy hoại, nguồn nước khô kiệt...
Hủy bỏ dự án, Vĩnh Phúc cho thấy một thái độ cầu thị, một chính quyền biết lắng nghe tiếng nói của người dân, tiếng nói của dư luận. Đó là điều rất đáng được hoan nghênh. Nhưng cũng từ vụ việc của Vĩnh Phúc, câu hỏi đặt ra là các địa phương khác thì sao? Bởi theo thống kê của Bộ NN-PTNT, từ nay đến năm 2020 có 30 địa phương tiếp tục đề xuất chuyển đổi thêm trên 60.000 ha rừng để thực hiện hơn 1.070 dự án khác. Tại sao chưa thấy các tỉnh, thành này tuyên bố hủy dự án chuyển đổi, phá rừng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Danh sách các tỉnh thành xin chuyển đổi đất rừng đã có, thiết nghĩ Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền phải nhanh chóng đưa ra chỉ đạo đúng đắn, hợp lòng dân này đến từng tỉnh, thành và công bố công khai cho toàn dân biết những dự án đã hủy cũng như địa phương nào không thực hiện nghiêm chỉ đạo này, nếu có.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.