Ráp phách và nhập điểm

28/07/2009 01:40 GMT+7

Sau một số việc xảy ra do sai sót ở khâu nhập điểm, ráp phách trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT ở TP.HCM và Quảng Nam, dư luận tỏ ra đặc biệt băn khoăn với câu hỏi: Phải chăng khâu kỹ thuật ở quá trình làm phách và lên điểm trong các kỳ thi này đang có “vấn đề”?

Trong một cuộc trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh: Đối với quy trình làm phách trong bài thi tự luận, ông Nghĩa cho biết: theo quy định, bộ phận làm phách bài thi tự luận cũng phải được cách ly để thực hiện các công việc như: đánh số phách và cắt phách theo quy trình hai vòng độc lập quy định bởi phần mềm máy tính; niêm phong đầu phách trước khi giao bài cho chủ tịch hội đồng chấm thi. Sau khi hội đồng chấm thi hoàn thành việc nhập điểm theo số phách thì phải giao đầu phách (còn nguyên niêm phong) cho chủ tịch hội đồng chấm thi; tham gia nhập điểm bài thi của từng môn vào máy tính và chuyển tờ ghi điểm về các tổ chấm thi để kiểm tra.

Giám khảo trong hội đồng chấm thi cũng có nhiệm vụ tham gia lên điểm, hồi phách bài thi theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng chấm thi; đối chiếu, kiểm tra, xác nhận sự thống nhất giữa điểm trên bài thi với điểm ghi trong các biên bản do bộ phận làm phách gửi lại.

Ở khâu nhập điểm thi, quy định của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ: Việc ghi điểm bài thi vào bảng ghi điểm thi của mỗi phòng thi do bộ phận hồi phách thực hiện theo phương thức: một người đọc, một người ghi, một người kiểm tra. Nếu có nhầm lẫn thì người ghi điểm gạch chéo điểm ghi sai, ghi điểm mới bên cạnh, ghi rõ lý do sửa điểm ở phần chú thích và ký tên. Trường hợp nhập điểm thi bằng máy vi tính cũng phải đảm bảo một người đọc, một người nhập điểm, một người kiểm tra và cuối bảng ghi điểm thi phải ghi rõ họ tên của cả ba người và ba người cùng ký.

Nghĩa là quy trình đã rất rõ và chặt chẽ vậy thì chỉ có thể bắt nguồn từ yếu tố chủ quan của những người tham gia chỉ đạo và trực tiếp thực hiện.

Đành rằng quá trình xử lý số liệu nhiều không tránh khỏi sai sót, nhưng những sai sót đó phải được lọc sạch bằng quy trình kiểm soát chặt chẽ, bằng ý thức cẩn trọng đúng mực của những người có trách nhiệm. Không thể sai rồi sửa, vì nếu chỉ một lần sai ở 1 bài thi thì hậu quả vô hình là hàng triệu thí sinh khác sẽ không thể hoàn toàn yên tâm với điểm số của mình ở những kỳ thi khi thấy nó khác với dự đoán ban đầu của họ.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.