Quyền tiếp cận giáo dục

26/11/2020 04:52 GMT+7

Mới đây, nhiều phụ huynh hoang mang khi một số trường THPT công lập tốp đầu tại Hà Nội chuẩn bị chuyển sang mô hình trường chất lượng cao tự chủ tài chính , đồng nghĩa với học phí tăng cao.

Dư luận luôn phản ứng mạnh mẽ khi nhà nước dùng các trường công có thương hiệu, cơ sở vật chất tốt để xây dựng mô hình “trường công chất lượng cao” thu học phí cao và tất nhiên dành cho học sinh của những gia đình có điều kiện.
Vì cách làm này là đi ngược với nguyên tắc phổ quát của giáo dục công.
Chính vì vậy, từ năm 2013, khi thủ đô Hà Nội ban hành các văn bản quy định cụ thể về cơ chế chính sách thực hiện mô hình trường công lập cung ứng dịch vụ chất lượng cao (CLC), rất nhiều ý kiến đã phản đối. Tình hình tương tự khi trước đó TP.HCM triển khai mô hình trường tiên tiến, chương trình tiếng Anh tích hợp trong trường công lập.
Mới đây, nhiều phụ huynh hoang mang khi một số trường THPT công lập tốp đầu tại Hà Nội chuẩn bị chuyển sang mô hình trường CLC tự chủ tài chính, đồng nghĩa với học phí tăng cao.
Phụ huynh và các chuyên gia phản đối chủ trương này không phải vì mô hình CLC mà ở chính cách làm. Bởi phần lớn loại hình trường này chỉ phục vụ cho con em gia đình khá giả vì mức học phí quá cao, vượt khả năng chi trả của người lao động thu nhập thấp. Như vậy đặt các mô hình CLC vào trường công mà chỉ dành cho một số người được hưởng là không đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục công của người dân.
Cũng sẽ có ý kiến cho rằng cần phải xã hội hóa giáo dục khi nhà nước không đủ kinh phí để phát triển đồng đều các trường công. Tuy nhiên điều này đã có hệ thống trường tư đang thực hiện khá tốt với đa dạng lựa chọn, đáp ứng các nhu cầu của học sinh cùng mức học phí theo thỏa thuận với phụ huynh. Trường công, khi thực hiện những mô hình này không chỉ hạn chế cơ hội tiếp cận giáo dục công của người dân mà còn gây “xung đột lợi ích” với trường tư. Vì vậy xã hội hóa là nhà nước hãy để cho tư nhân làm những gì họ có thể làm được, trong đó có dịch vụ giáo dục. Xã hội hóa giáo dục nên hiểu là nhà nước với vai trò quản lý, giám sát thực hiện đa dạng các loại hình, xây dựng một môi trường học tập trong đó có tư nhân tham gia để đáp ứng nhu cầu của mọi người dân, chứ không phải nhập nhèm mô hình công - tư như hiện nay khiến người dân bất bình, hoang mang.
Đó là chưa kể luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 không đề cập đến mô hình trường công lập CLC. Theo luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ 1.7.2020, loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm trường công lập, trường tư thục và trường dân lập (chỉ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non). Luật không có nhưng vì sao trên thực tế vẫn tồn tại mô hình trường công CLC? Các chuyên gia giáo dục cho rằng luật tuy không cấm trường công lập thực hiện mô hình CLC nhưng phải đảm bảo sự công bằng.
Nhưng liệu thật sự có công bằng không, khi cơ hội của người dân đến với các trường này bị giới hạn?
Giáo dục phải xem học sinh như đối tượng phục vụ chứ không phải kinh doanh thì mới là một nền giáo dục nhân văn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.