Quyền được thông tin

17/01/2015 04:51 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng thẳng thừng bác bỏ một điều khoản trong dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND yêu cầu nhà báo muốn tham dự đưa tin phiên tòa phải có đủ 2 loại giấy tờ là thẻ nhà báo và giấy giới thiệu. Ông gọi đó là quy định “gây khó dễ”, cản trở hoạt động của báo chí.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã từng thẳng thừng bác bỏ một điều khoản trong dự thảo Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND yêu cầu nhà báo muốn tham dự đưa tin phiên tòa phải có đủ 2 loại giấy tờ là thẻ nhà báo và giấy giới thiệu. Ông gọi đó là quy định “gây khó dễ”, cản trở hoạt động của báo chí.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong chỉ đạo đối với Văn phòng Chính phủ hôm 15.1, cũng khẳng định: chủ động thông tin là một yêu cầu bắt buộc trong công tác điều hành của Chính phủ.
Tuy nhiên, không phải ở đâu, lúc nào báo chí cũng được tạo điều kiện để tiếp cận các thông tin thật, thông tin đầy đủ để có cái nhìn khách quan, minh bạch về hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Ngay bản thân Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (ban hành tháng 5.2013) cũng có quy định: người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong trường hợp những vấn đề đó thuộc bí mật nhà nước, vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn. Và “bí mật nhà nước”, “vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn” trở thành nơi trú ngụ lý tưởng cho việc che giấu, bưng bít thông tin.
Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí - xuất bản (Bộ TT-TT), khi trả lời Báo Thanh Niên, thừa nhận “báo chí gặp nhiều khó khăn khi yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin”. Và trong khi hoạt động thông tin báo chí được điều chỉnh rất chặt chẽ bởi luật Báo chí; báo chí đưa tin sai bị xử phạt, nhà báo thông tin sai có thể bị truy tố thì lại chưa có bất kỳ quy định cụ thể nào về việc xử lý các tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thông tin cho báo chí theo quy chế. Mặc dù Hiến pháp, các văn bản luật liên quan như luật Báo chí; luật Phòng, chống tham nhũng; luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật... đều có quy định rất rõ ràng về quyền được thông tin của người dân, nhưng pháp luật lại thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin.
Chúng ta từng có bài học đắt giá do việc chậm trễ, bưng bít thông tin trong dịch sởi hồi giữa năm ngoái. Do bưng bít nên dịch bệnh lây lan mạnh; do bưng bít nên báo chí bị vô hiệu hóa, trong khi mạng xã hội tràn ngập thông tin không kiểm chứng gây hoang mang dư luận.
Xu thế của một xã hội hiện đại là xu thế thông tin mở, lan tỏa mạnh mẽ. Không có bất cứ một sự kiện, một thông tin nào có thể đóng kín hoàn toàn. Có nhiều vụ việc đã từng xảy ra, trong khi báo chí bị kiềm chế thông tin thì chỉ trong vòng vài phút các mạng xã hội đã đưa tràn lan với những bình luận nhiễu loạn. Bài học ở đây là nếu không để báo chí chủ động thông tin thì người dân sẽ nhận thông tin từ các nguồn khác và vô hình trung dư luận sẽ bị định hướng bởi các nguồn truyền thông phi chính thống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.