Quy định có như không

02/10/2018 05:13 GMT+7

Việc kê toa, bán thuốc cho người bệnh đã có những quy định từ lâu: bác sĩ có nhiệm vụ khám bệnh, kê toa; còn nhà thuốc bán thuốc theo toa của bác sĩ. Tuy nhiên, quy định có cũng như không, ít ai tuân thủ.

Bác sĩ làm phòng mạch phần đông khám bệnh kiêm luôn bán thuốc; còn dược sĩ, nhà thuốc thì bán thuốc... không cần toa.
Việc bác sĩ khám bệnh kèm bán thuốc - nghĩ đơn giản sẽ tạo thuận lợi cho người bệnh, tuy nhiên việc này sai quy định và dễ gây thiệt thòi cho người bệnh nếu như bác sĩ không có tâm - bán thuốc lấy giá cao, bán kèm nhiều thuốc không cần thiết, thậm chí bán thuốc gần hết hạn dùng... Còn việc dược sĩ, dược tá nhà thuốc tự chẩn bệnh kê toa rồi bán thuốc không cần toa sẽ khiến người bệnh, người dân mua thuốc dễ như mua rau dẫn đến tình trạng lờn thuốc, kháng thuốc, nhất là những thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị.
Là thầy thuốc, phần lớn ai cũng từng có một phòng khám bệnh riêng ngoài giờ (phòng mạch tư). Phòng mạch cũng góp phần giúp giảm tải bệnh viện và sàng lọc những bệnh lý ban đầu; giúp bác sĩ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, bác sĩ làm phòng mạch cần tuân thủ các quy định đã có. Không tự ý bán thuốc, nhất là lợi dụng lòng tin của người bệnh để bán thuốc giá quá cao; hay không đưa toa, ghi toa đọc không được nhằm buộc người bệnh mua thuốc của mình, hoặc cơ sở liên kết với mình.
Nhà thuốc bên ngoài bệnh viện cũng góp phần giúp người bệnh có những điểm mua thuốc thuận lợi. Tuy nhiên, dược sĩ nhà thuốc phải tuân thủ các quy định về bán thuốc theo đơn đối với thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị... Không tự ý chẩn bệnh kê toa, thậm chí cố tình bán kèm theo những thuốc không cần thiết nhằm có thêm lợi nhuận.
Việc bác sĩ phòng mạch kiêm bán thuốc đã sai, lại còn không đưa toa, hoặc đưa toa không đọc được càng sai. Những việc này dẫn đến việc cung cấp thuốc cho người bệnh sử dụng có thể không an toàn, hợp lý. Nhiều người ngạc nhiên khi đến bây giờ thời buổi công nghệ mà bác sĩ còn ghi toa thuốc bằng chữ viết tay không đọc ra tên thuốc. Đâu khó khăn gì, đâu tốn kém là bao khi ghi toa bằng máy tính để mọi cái rõ ràng, minh bạch, để an toàn cho người bệnh trong sử dụng thuốc. Cần nói thêm, ở phòng mạch, do không có quy định phải làm bệnh án nên toa thuốc chính là hồ sơ pháp lý của bệnh nhân và thầy thuốc khi có tai biến xảy ra.
Còn với dược sĩ nhà thuốc, phải có trách nhiệm với người bệnh trong hành nghề, phải tuân thủ các quy định đã có. Kế đến là trách nhiệm của ngành y tế, của các bộ phận quản lý liên quan, phải giám sát, kiểm tra, xử phạt nhằm chấn chỉnh bác sĩ, dược sĩ hành nghề đúng.
Đã đến lúc chúng ta phải cương quyết với những toa thuốc cẩu thả và không có giá trị pháp lý để bảo đảm cho sự an toàn của bệnh nhân và sự an toàn của chính những người thầy thuốc. Cương quyết với những nhà thuốc bán thuốc bừa bãi không tuân thủ quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.