Quản lý thị trường ở đâu ?

Anh Vũ
Anh Vũ
23/06/2019 05:50 GMT+7

Từ chục năm trước, người dân ra ngõ gặp hàng giả, hàng nhái; nay đi đâu cũng vẫn thấy hàng nhái, hàng giả. Mắt thường ai cũng nhìn thấy được, chẳng lẽ chỉ duy nhất QLTT không nhìn thấy? .

 Vụ việc cảnh phục giả được mua bán công khai từ trên phố đến trên mạng, hay hành vi nhập lụa, linh kiện điện tử Trung Quốc về gắn mác hàng VN chất lượng cao; nhập nhèm dán tem, mác... của Khaisilk, Asanzo... một lần nữa báo động sự yếu kém của cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường (QLTT) - đơn vị chuyên trách của nhà nước trong phòng, chống, xử lý hàng lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Câu hỏi đặt ra, vì sao “căn bệnh” mãn tính này đã nói đi nói lại nhiều lần, thậm chí mổ xẻ, chất vấn qua nhiều kỳ họp Quốc hội, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để? Chúng ta phải ghi nhận việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã triệt phá, khởi tố được nhiều vụ việc. Tuy nhiên, để những vụ việc mua bán hàng cấm như cảnh phục kể trên hay những “con voi” hàng nhái như Khaisilk, Asanzo... tồn tại, chỉ đến khi báo chí điều tra, người dân phản ánh mới phát hiện cho thấy lỗ hổng rất lớn.
Lỗ hổng đó có trách nhiệm của các cơ quan liên quan và trực tiếp là của Tổng cục QLTT. Việc tái cơ cấu bộ máy, nâng từ cục lên thành tổng cục, bố trí lực lượng theo ngành dọc từ T.Ư đến địa phương, dư luận đánh giá không khác gì “bình mới, rượu cũ”. Từ chục năm trước, người dân ra ngõ gặp hàng giả, hàng nhái; nay đi đâu cũng vẫn thấy hàng nhái, hàng giả. Mắt thường ai cũng nhìn thấy được, chẳng lẽ chỉ duy nhất QLTT không nhìn thấy?
Với hàng ngàn cán bộ QLTT được tổ chức từ cấp T.Ư đến tỉnh, thành rồi đội cấp huyện, xã… trang bị nhiều phương tiện hiện đại, tại sao liên tục hô hào tăng cường, kiểm tra, phòng chống lại không phát hiện ra, vẫn để lọt lưới những vụ việc như trên?
Chúng ta không thể chấp nhận thói làm ăn chụp giật, treo đầu dê bán thịt chó vì nó xâm hại quyền lợi của khách hàng, phá hoại nền kinh tế, gây mất niềm tin cho những doanh nghiệp làm ăn ngay thật, đang cố sức để xây dựng thương hiệu. Và càng không thể chấp nhận nếu có những tiêu cực, tham nhũng trong chính các lực lượng chức năng.
Lực lượng QLTT đang nỗ lực để thay đổi, lấy lại niềm tin nơi người dân. Tuy nhiên, những tiêu cực trong bổ nhiệm cán bộ trước kia, hay gần đây nhất vụ 2 kiểm sát viên thuộc Cục QLTT Nghệ An bị bắt về hành vi “làm tiền” một cơ sở kinh doanh khiến niềm tin ấy ngày càng trở nên xa vời.
Muốn lấy lại nó phải có sự quyết tâm và cứng rắn của người đứng đầu; phải có sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị thanh tra, giám sát từ trên xuống để thanh lọc lực lượng, loại bỏ cán bộ QLTT tha hóa, biến chất, bảo kê, bao che cho hàng lậu, hàng nhái, thậm chí cả hàng cấm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.