Quà tết

02/01/2018 04:36 GMT+7

Quà là vật chất có ít nhiều giá trị thể hiện tấm chân tình, niềm thân thiết, quý mến nhau trong cuộc sống, thường được trao đi, nhận lại, rất trong sáng.

Với ý nghĩa đó, quà tặng góp phần gắn kết tình cảm giữa người với người, dù món quà ấy đơn giản, được tặng trong những dịp lễ, tết, hiếu hỉ.
Tuy nhiên, quà ngày nay trong một góc độ tiêu cực đang thể hiện sự mất dần tính vô tư, nhất là trong giới công quyền. Người ta hào phóng tặng nhau những món quà trên mức tình cảm, không chỉ vì quý nhau mà chủ yếu nhằm trục danh, trục lợi, đan xen hàm ý cầu cạnh. Xuất phát điểm cho những món quà “khủng” ấy là thứ quan niệm thực dụng, sòng phẳng theo kiểu “Không ai cho không ai cái gì”.
Lễ, tết là một dịp thuận lợi và khá tự nhiên cho việc tặng quà và nhận quà. Đầu năm tặng nhau món quà kèm lời chúc bình yên, thành công, hạnh phúc bằng sự nhiệt tình, trân trọng thì ai mà săm soi, xét nét, mà nỡ từ chối thẳng. Thế nhưng trong nhiều tình huống, không ít những món quà ấy đều mang hàm ý “xin”: xin chức quyền, xin học hàm học vị, xin cất nhắc, xin dự án; thậm chí xin được yên thân... Người cho, là những cán bộ quan chức tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng; xét cho cùng, cho nhưng không mất gì. Người mất chính là thể chế, là đất nước, là nhân dân. Quà tặng như thế dứt khoát không thể chấp nhận được. Những năm gần đây, mỗi dịp tết sắp về, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ đều có chỉ thị, chủ trương nghiêm cấm tặng quà cho lãnh đạo dưới mọi hình thức.
Phải thừa nhận rằng việc biếu tặng quà cáp giờ đây đã biến tướng đến mức tinh vi. Nói cách khác, tặng quà thời nay là cả một “nghệ thuật” thiên biến vạn hóa. Qua những vụ đại án đã và sắp được đem ra xét xử có thể thấy ẩn hiện phía sau những món quà chính là các công trình bị rút ruột, những sự hợp tác vi phạm pháp luật, những dự án nhiều lần đội vốn, những quyết định bất cập có liên quan đến tài sản, nhân sự, đời sống xã hội...
Việc cấm tặng quà tết cho các cấp lãnh đạo chắc chắn sẽ được thực hiện ngày càng nghiêm với quyết tâm cao; đầu tiên là từ sự liêm chính, trong sáng của không ít cán bộ có chức quyền để làm gương và qua đó lan tỏa nhận thức đúng đắn trong toàn hệ thống. Kế đến là sự giám sát, phản ánh của cán bộ, đảng viên, của người dân đối với những hiện tượng bất thường có liên quan. Điều này không những có ý nghĩa sâu sắc về mặt chính trị mà ngày còn tạo ra một không gian văn hóa ứng xử lành mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.