Quá lỗ cho ngân sách

07/11/2014 03:00 GMT+7

Án phí hình sự là một khoản phí mà bị cáo của một vụ án hình sự bị kết án phải đóng cho bộ phận thi hành án. Pháp lệnh Án phí lệ phí tòa án nói rõ người bị kết án phải đóng án phí hình sự sơ thẩm; trong trường hợp bị cáo kháng cáo án sơ thẩm thì phải chịu án phí hình sự phúc thẩm nếu tòa phúc thẩm bác kháng cáo.

Án phí hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đều được quy định ở mức 200.000 đồng. Trong kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đã đề nghị bỏ bớt một số quy định trong pháp luật hình sự, trong đó có nội dung bỏ án phí hình sự.

Theo đại biểu Phạm Xuân Thường, trong năm 2014, ngành tòa án đưa ra xét xử 148.519 bị cáo phạm tội hình sự, buộc các bị cáo phải nộp 8 tỉ đồng án phí hình sự. Ông làm một phép tính, ước lượng rằng để thu được 8 tỉ đồng này, phải cần đến gần 2.000 cán bộ thi hành án. Theo ông, số tiền thu được quá nhỏ mà biên chế lại phải nuôi gần 2.000 con người thì là việc không cần thiết phải làm. Từ cơ sở đó, ông đề nghị nên bãi bỏ quy định án phí hình sự.

Giả thiết rằng mỗi cán bộ thi hành án mỗi tháng lãnh lương 5 triệu đồng thì 2.000 cán bộ sẽ lãnh mỗi tháng 10 tỉ đồng; mỗi năm lãnh 120 tỉ đồng. Bỏ ra 120 tỉ đồng bạc lương hằng năm chỉ để thu lại 8 tỉ đồng tiền án phí hình sự thì thật là... quá lỗ cho ngân sách nhà nước. Mà trong tình hình chi ngân sách của đất nước hiện nay, cái bóng của việc bội chi, việc thâm hụt luôn luôn đè nặng trong tâm tư của cán bộ nhà nước và nhân dân.

Nguyên tắc của cuộc sống là thấy điều gì có lợi cho nhà nước, cho nhân dân, dù chỉ là cái lợi nhỏ, thì cũng phải làm. Việc đại biểu Phạm Xuân Thường đưa ý kiến bỏ thu án phí hình sự ra thảo luận ở hội trường rõ ràng là bỏ một khoản thu rất nhỏ nhưng lại giảm đáng kể lượng công việc phải giải quyết và có thể giảm được 20% cán bộ thi hành án hiện nay. Đó rõ ràng là một đề nghị ích nước lợi dân, có thể làm được, giúp cho việc cải cách hành chính nền tư pháp và hoạt động tố tụng hình sự tốt hơn, gọn nhẹ hơn. Ở chừng mực nào đó, bỏ án phí hình sự làm gọn nhẹ bộ máy thi hành án, hướng kỹ năng của cán bộ thi hành án tập trung vào công tác thi hành án dân sự hữu hiệu hơn.

Chúng tôi nghĩ nhân dân ủng hộ, đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Xuân Thường. Nhân dân cũng rất mong các vị đại biểu khác có những ý kiến cụ thể như ý kiến của ông Phạm Xuân Thường nhằm góp phần giảm bớt chi phí ngân sách cho nhà nước.

Vũ Đức Sao Biển

>> Đại biểu hiến kế ‘bỏ án phí hình sự để giảm 2.000 biên chế’
>> Từ 1.7.2009, tăng án phí, lệ phí tòa án

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.