Phủ nhanh... đồi trọc !

26/09/2020 07:21 GMT+7

Chuyện tưởng như phi lý nhưng đầy logic khi nhìn lại công tác quản lý, bảo vệ rừng nhiều năm qua ở khu vực Tây nguyên.

Hiện toàn khu vực này có hơn 2,5 triệu ha rừng, chiếm gần 18% diện tích rừng của VN, trong đó rừng tự nhiên gần 2,2 triệu ha. Song diện tích rừng ở đây liên tục sụt giảm theo từng năm. Theo số liệu từ Ban Kinh tế T.Ư và Bộ NN-PTNT, khu vực Tây nguyên mất hơn 46.000 ha rừng tự nhiên mỗi năm, trong đó có nguyên nhân do phá rừng.
Từ năm 2019 đến nay, toàn vùng đã có trên 3.500 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng. Hậu quả, diện tích rừng ở Tây nguyên ngày càng suy giảm đến mức báo động. Lâm tặc thậm chí bạo gan vào những vườn quốc gia, khu bảo tồn để khai thác trái phép nhiều loại gỗ quý. Khi bị phát hiện thì sẵn sàng dùng vũ khí nóng để chống trả, thoát thân.
Và thực tế, trong nhiều năm qua, các công ty lâm nghiệp, ban quản lý, chính quyền địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp được giao. Hễ có công tác thanh tra, kiểm tra là phát hiện mất rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Năm 2019, Tây nguyên trồng hơn 18.000 ha rừng thì rừng tự nhiên lại giảm hơn 15.000 ha.
Ở nhiều vùng rừng bạt ngàn ngày trước, nay đã trở thành đồi trọc do nạn phá rừng. Vậy cơ quan chức năng ở đâu? Xin thưa, họ vẫn... ở đấy, song gần như bất lực và thậm chí đáng ngờ khi có những cung đường độc đạo nhưng lâm tặc vẫn ung dung đưa gỗ ra bên ngoài tẩu tán.
Mới đây là vụ phá rừng xảy ra tại lâm phần do UBND xã Sró, H.Kon Chro (Gia Lai) quản lý. Chuyện bi hài là Hạt Kiểm lâm H.Kon Chro thay vì vào cuộc quyết liệt để tìm ra thủ phạm phá rừng, xử lý nghiêm thì lại đổ cho kẻ xấu phá rừng rồi báo cho báo chí để vào quay phim, chụp hình! Dù biện minh thế nào thì bản chất của câu chuyện vẫn là rừng đã bị phá mà lực lượng chức năng đã không phát hiện kịp thời để ngăn chặn.
Câu hỏi đặt ra là chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của những chủ rừng, lực lượng bảo vệ rừng đã thực sự thể hiện đầy đủ, nghiêm túc trong vụ việc này chưa? Câu trả lời là chưa.
Rừng giảm dần, đồng nghĩa với hệ động vật rừng cũng hiếm dần bởi chúng không còn đất sống và đối mặt với nạn săn bắt động vật hoang dã. Chỉ cần vài ba phút để đẵn hạ một cây rừng cổ thụ, song cần đến cả vài chục, thậm chí cả trăm năm để một cây con sinh trưởng thành cổ thụ, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra khắc nghiệt. Tây nguyên theo dự báo của các nhà khoa học là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng.
Giữ rừng, cũng là giảm thiểu họa thiên tai không chỉ cho cao nguyên, mà còn cho cả vùng duyên hải nam Trung bộ. Để làm được điều đó, cần hơn bao giờ hết sự đồng lòng, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của lực lượng bảo vệ rừng và của cả người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.