Phía sau đường cao tốc

22/03/2015 05:43 GMT+7

Một người bạn tôi vừa có chuyến công tác miền biên viễn phía bắc về, kể bây giờ từ thủ đô đi Lào Cai sướng lắm. Hỏi sướng sao, giả nhời rằng cái đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai xe bon chỉ vài tiếng đồng hồ, chưa kịp chợp mắt đã đến nơi. Không còn cái cảm giác cách trở nghìn trùng, tự dưng thấy đất nước mình trở nên gần gũi, quen thuộc vô cùng.

Một người bạn tôi vừa có chuyến công tác miền biên viễn phía bắc về, kể bây giờ từ thủ đô đi Lào Cai sướng lắm. Hỏi sướng sao, giả nhời rằng cái đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai xe bon chỉ vài tiếng đồng hồ, chưa kịp chợp mắt đã đến nơi. Không còn cái cảm giác cách trở nghìn trùng, tự dưng thấy đất nước mình trở nên gần gũi, quen thuộc vô cùng.

Đó mới chỉ là một trong rất nhiều con đường, lẽ ra phải gọi bằng cái tên hoành tráng “đại lộ” hoặc “siêu xa lộ” cao tốc, đã hình thành trên khắp nước ta mươi năm gần đây. Đó là các tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP.HCM - Trung Lương, Hà Nội - Lào Cai, Nhật Tân - Nội Bài, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu... và sắp tới sẽ là 2 tuyến cực kỳ quan trọng Hà Nội - Hải Phòng, Trung Lương - Mỹ Thuận. Những động mạch chủ ấy ngày càng phát huy tác dụng nuôi cơ thể đất nước khỏe mạnh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Có thể nói rằng đường cao tốc không chỉ rút ngắn khoảng cách vùng miền, giảm bớt thời gian đi lại mà còn rút ngắn cả quá trình vươn tới một cuộc sống văn minh, hạnh phúc, ấm no.
Quan trọng là thế, hữu ích là thế, vậy thì lẽ nào người dân lại không đồng tình, ủng hộ việc xây dựng các tuyến đường cao tốc. Thực tế cho thấy, những nơi đường cao tốc đi qua, đại đa số nhân dân tự nguyện tự giác chấp nhận đền bù giải tỏa, nhường nhà cửa đất đai cho việc hình thành con đường. Họ hiểu, làm đường đâu chỉ cho một xã hội phát triển chung chung mà cho mỗi gia đình, cho chính bản thân họ. Lợi ích quốc gia hài hòa với lợi ích dân chúng. Sự ngăn cản việc phát triển, đẩy nhanh tốc độ hình thành các con đường cao tốc và sử dụng đường cao tốc một cách hiệu quả là có tội với cộng đồng. Chính vì lẽ ấy, phải đánh giá khách quan, công bằng một số hành vi có liên quan đến đường cao tốc ở xứ ta.
Điều rõ thấy nhất là hầu hết dư luận không đồng tình với việc người dân một số địa phương tự phát chặn đường cao tốc. Ở một số nơi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi qua, dân lúc thì kéo rào, khi thì khuân gạch đá chặn đường đòi nhà đầu tư phải bồi thường, phải trả tiền nợ, phải tạo điều kiện cho bà con sản xuất, canh tác. Chỉ trong nửa năm mà đến 4 - 5 vụ, cực kỳ nguy hiểm cho an toàn giao thông, gây mất trật tự công cộng. Trên một số tuyến đường khác, người dân tự ý tháo dỡ hàng rào, dải phân cách, tự ý băng ngang, tất nhiên là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sự an toàn giao thông đường cao tốc. Những hành vi kiểu ấy, cần chấm dứt triệt để.
Nói đi phải nói lại, như các cụ bảo “không có lửa sao có khói”. Người dân thiếu hiểu biết hoặc quá bức xúc vì quyền lợi mà vi phạm đã đành một nhẽ, nhưng cơ quan quản lý nhà nước (cụ thể là Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty phát triển đường cao tốc VN), rồi chính quyền địa phương, rồi chủ đầu tư, các nhà thiết kế, lập dự án... cũng cần xem lại. Đừng đẩy người dân vào sự đã rồi, vào thế chẳng đặng đừng. Tại sao đường Hà Nội - Lào Cai đã được đưa vào hoạt động, khai thác mà vẫn chưa có hệ thống thoát nước, để thỉnh thoảng đất đá lại tràn cả vào nhà dân, ngập cả ruộng nương, tàn phá hoa màu? Tại sao các cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Pháp Vân - Cầu Giẽ có đoạn kéo dài cả chục cây số nhưng không tạo lối đi, xây hầm chui cho dân băng ngang qua lại. Hình ảnh người dân ở Long An và Tiền Giang hằng ngày phải chui qua ống cống để về nhà chẳng nhẽ không làm động lòng những người có trách nhiệm?
Muốn dân tuân thủ pháp luật, điều trước hết là đừng tạo cho dân lý do để vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.