Phát triển vùng ven đô

30/04/2017 07:21 GMT+7

Trong chiến tranh, vùng ven Sài Gòn đều là căn cứ, bàn đạp của cách mạng.

Đó là những nơi phải gánh chịu nhiều nhất sự tàn phá của bom đạn, nơi mà người dân phải hy sinh bám đất giữ làng, biến thành những vành đai thép chở che cho cách mạng.
42 năm hòa bình, nhiều vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè… đã bắt đầu chuyển mình thật sự, trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo đô thị nhưng chưa thể bằng lòng với những biến chuyển đó. Chẳng hạn với Cần Giờ hay Củ Chi thì tiềm năng phát triển du lịch hay kinh tế đã hiển hiện, nhưng tốc độ phát triển vẫn còn rất chậm, và đời sống người dân ở hai căn cứ địa cách mạng này chưa được nâng lên tương xứng với những đóng góp của họ cho đất nước.
Tôi đã đến Cần Giờ và sửng sốt vì vẻ đẹp hoang sơ nhưng dịu ngọt của những cánh rừng ngập mặn ở đây. Vậy mà khi hỏi tới đời sống người dân Cần Giờ, thì số hộ nghèo ở đây chiếm tới hơn 40% dân số. Rừng ngập mặn đã được giao cho dân bảo quản, có trả lương cho những hộ dân này, nhưng mức thu nhập của họ vẫn còn khá thấp, vẫn còn nhiều hộ loay hoay chưa thể thoát nghèo. Vẫn là rừng Sác anh hùng ấy trong chiến tranh, ngày nay là “lá phổi xanh”, là “bức tường xanh” làm giảm ô nhiễm và chở che cho TP.HCM khỏi những cơn bão, nhưng người dân trong khi giữ gìn bảo vệ rừng Sác mà vẫn tiếp tục nghèo thì TP.HCM không thể phát triển một cách cân đối và bền vững được.
Với Củ Chi, cũng vậy. Tôi đã đến Củ Chi và đã thấy. Có nhiều dự án “cắm chốt” ở vùng “đất thép” này, nhưng những dự án đã triển khai và mang lại thu nhập cao cho đa số người dân ở đây thì vẫn chưa có, nếu có là do người dân tự mày mò làm kinh tế, làm nông nghiệp công nghệ cao.
Trong ngày 30.4 năm nay, niềm canh cánh của TP.HCM phải là những vùng ven đô của mình. Làm sao để những vùng ven này không phải phát triển nhờ bán đất, mà phát triển nhờ những ý tưởng có hàm lượng chất xám cao, trong khi vẫn bảo vệ được môi trường. Du lịch là một hướng phát triển tốt, nhưng phải là “du lịch xanh”, du lịch bảo vệ môi trường, du lịch môi trường, chứ không phải ngược lại, du lịch ào ạt nhưng hủy hoại môi trường.
Vùng ven đô của bất cứ thành phố lớn nào trên thế giới cũng chứa đựng rất nhiều phức tạp, rất nhiều vấn đề của nó. Vùng ven Sài Gòn không phải là ngoại lệ. Chính vì thế, sự quan tâm hết lòng của lãnh đạo TP.HCM với sự phát triển vùng ven đô phải là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển này. Cần có sự tính toán khoa học, những tính toán cho ra kết quả sẽ nâng cao đời sống người dân đồng thời bảo vệ môi trường, tránh những tính toán nhất thời, tránh sự can thiệp của các nhóm lợi ích. Đó là chìa khóa đưa vùng ven Sài Gòn phát triển bền vững. Nếu Cần Giờ có thể trở thành một “Thiên đường xanh” của du lịch, thì Củ Chi hoàn toàn có thể là nơi phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình Israel. Nông nghiệp công nghệ cao ấy sẽ kéo theo du lịch nông nghiệp, và người dân Củ Chi không chỉ thoát nghèo mà sẽ tiến lên khá giả từ chính lao động nông nghiệp mang hàm lượng chất xám cao của mình.
Trong niềm vui chung của TP đang từng ngày phát triển, hiện đại, đừng quên đầu tư và tâm huyết để phát triển những vùng ven từng là quê hương cách mạng, cái nôi nuôi lớn ngày thống nhất, hòa bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.