Phải thực sự bình đẳng

15/05/2017 06:24 GMT+7

30 năm phát triển, doanh nghiệp tư nhân gần như không có được 1 thương hiệu mang tầm khu vực.

Đại bộ phận đều là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ thiên về lối làm ăn “du kích”, buôn thúng bán mẹt, quy mô manh mún. Nhưng tất cả không phải lỗi của họ, mà chính do cơ chế, chính sách của nhà nước đã không hỗ trợ, không định hướng, thiếu ưu đãi, nếu không muốn nói còn đối xử thiếu bình đẳng đối với thành phần kinh tế này.
Hội nghị T.Ư 5 đã ban hành nghị quyết phát triển mạnh kinh tế tư nhân, khắc phục hạn chế, vượt qua rào cản tâm lý và thành kiến. Một chủ trương vô cùng đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước nếu xem kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho tăng trưởng và phát triển thì phải quan tâm cho thật đúng mức. Điều quan trọng là phải thực hiện chứ không phải ở câu chữ hay khẩu hiệu, phong trào.
Trước kia, ta cũng đã nói nhiều, bàn nhiều nhưng vẫn chủ yếu ưu tiên cho các DN nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong một mâm cơm chỉ có mấy món thôi, nếu ưu tiên những thành phần khác thì DN tư nhân còn gì để gắp. Không có vốn, không có đất đai, không ưu đãi thuế... thì làm sao lớn nổi. Vì vậy, sắp tới khi thực hiện vấn đề mấu chốt phải tạo ra được thể chế, chính sách và môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong đó việc phân bổ nguồn lực phải theo cơ chế thị trường. Ai làm được thì vay được ngân hàng, có được vốn rẻ chứ không phải giao vốn hay theo cơ chế xin - cho. Ta hoan nghênh tiến bộ, nhận thức nhưng điều quan trọng là phải thực hiện và thực sự bình đẳng, không phải chỉ có nói mà phải thể hiện bằng hành động.
Kinh tế tư nhân sau 30 năm vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm tới 31,33% GDP, trong khi các thành phần khác của kinh tế tư nhân chỉ chiếm 7,88% GDP năm 2015. Tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây (giai đoạn 2003 - 2010 là 11,93%/năm; giai đoạn 2011 - 2015 là 7,54%/năm); có đến 97% DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp và chậm đổi mới, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh còn thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu; khả năng tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp.
Kết quả èo uột đó thực ra nằm ở vấn đề quy luật phát triển. Bởi muốn có DN lớn phải có tích tụ về sản xuất, đủ lớn về vốn, nguồn lực… trong khi ở ta tất cả đều ưu ái cho DN nhà nước, DN FDI. Các tập đoàn, tổng công ty được vay vốn rẻ, sở hữu tài nguyên; các DN FDI được ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất... Đơn cử như trường hợp của Vinashin, Vinalines, hay PVN tất cả đều thất bại vì chúng ta đã quá ưu ái, cưng chiều. Trong khi các tập đoàn tư nhân phải vật lộn trong khó khăn mới có thể tồn tại. Hay đối với DN FDI, họ chính là động lực về thành tích cho các tỉnh, thành. Như trường hợp Thái Nguyên, chỉ sau 1 năm Samsung đầu tư, tỉnh này trở thành tỉnh công nghiệp với sản lượng tăng 93%. Thái Nguyên coi đó là thành tích lớn nên ưu đãi hết đất đai đến giảm thuế cho DN.
Do đó, vấn đề với kinh tế tư nhân phải nhận thức đúng, xây dựng chính sách phát triển bình đẳng; phải có chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, có sự giám sát của các hiệp hội, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN. Nếu không có thì sợ rằng nói rất hay nhưng không có tiến bộ gì cả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.