Nút thắt “mềm”

27/04/2011 00:10 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong vòng 1 tháng, UBND TP.HCM phải tổ chức 2 lần đối thoại với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Lần trước với riêng Phòng Thương mại châu u (Eurocham) và hôm qua 26.4 với cộng đồng DN các nước, để nghe phản ánh và cùng bàn cách cải thiện môi trường đầu tư.

Đại diện một DN chuyên làm tư vấn cho các công ty Đức đầu tư vào Việt Nam bức xúc, trang web của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM hầu như không cập nhật quy định mới; gửi e-mail hỏi thông tin thì chẳng bao giờ thấy hồi âm; gọi điện thoại không ai nhiệt tình trả lời. Hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh, đầu tư được ghi trong giấy hẹn là 30 - 45 ngày; tới ngày hẹn đến lấy giấy phép lại bị trả lại để bổ sung hồ sơ. Thế là tiếp tục chờ thêm bấy nhiêu ngày nữa, nếu hồ sơ đã hoàn chỉnh, còn không có khi để nhận một giấy phép đầu tư phải mất tới 6 tháng!

Giám đốc Cơ quan Phát triển ngoại thương của Nhật Bản tại TP.HCM Yoshida Sakae nói thêm, thậm chí hơn 6 tháng mà giấy phép cũng chưa có kết quả. DN không hiểu lắm quy trình cấp giấy phép, cho nên phải đợi rất lâu để được duyệt, do đó vấn đề này cần được cải thiện để thúc đẩy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngay cả Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín cũng thắc mắc tại sao cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ của DN không chịu khó điểm sơ qua để xem thiếu giấy tờ gì rồi hướng dẫn bổ sung lập tức. Còn những hồ sơ phức tạp hơn, có thể trả lời nhanh cho DN trong vòng vài ngày để họ tranh thủ bổ sung xong?

Biện hộ cho việc mất thời gian trong cấp giấy phép, một phó giám đốc của Sở KH-ĐT TP.HCM cho rằng có nhiều hồ sơ đầu tư phải hỏi ý kiến địa phương có dự án; đối với những dự án cần thẩm tra phải thông qua nhiều bộ, ngành; có dự án cần giải trình năng lực của chủ đầu tư… Tuy nhiên, các bộ ngành lại ì ạch hồi đáp, có khi gom 3 - 4 dự án lại để trả lời một lần, thành ra chậm trễ. Được biết trước đây, những dự án cần hỏi ý kiến bộ ngành có quy định sẽ hồi đáp trong vòng 15 ngày, nhưng nay quy định này không còn nữa. Thành ra, cơ quan quản lý cũng... tới đâu hay tới đó.

Cuối cùng, cảnh báo được phát ra là, nếu tình trạng này  tiếp tục diễn ra thì TP.HCM sẽ mất cơ hội trong quá trình tiếp cận các nguồn vốn mới. Một DN cho biết, gần đây nhiều văn phòng khu vực của các công ty đa quốc gia đặt tại Hồng Kông, Singapore, Thái Lan… muốn chuyển hoạt động đến Việt Nam, cụ thể là TP.HCM, nhưng qua khảo sát đã quyết định dừng lại, điều này rất bất lợi cho TP.HCM. 

Đó chỉ là số ít trong rất nhiều những phản ánh về môi trường đầu tư của TP.HCM được các DN đánh giá là ngày càng thụt lùi do chậm cải thiện, nên khó cạnh tranh được với những tỉnh thành khác. Thực tế đã được kiểm chứng qua báo cáo năng lực cạnh tranh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây, TP.HCM dù là địa phương có rất nhiều thế mạnh nhưng không đứng ở nhóm dẫn đầu. Trong khi địa phương này lại thể hiện rõ quyết tâm phải thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, nhắm vào dòng vốn công nghệ cao, bằng cách tháo gỡ những nút thắt hiện hữu, như hạ tầng giao thông, điện, nước, nguồn nhân lực... Đấy là những nút thắt "cứng” cần nhiều tiền bạc và thời gian để giải quyết, nhưng những nút thắt "mềm” về chính sách thì hoàn toàn có thể xử lý.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.