Nông sản chìm nổi, phải truy trách nhiệm

27/04/2015 06:36 GMT+7

Thông tin hàng ngàn tấn gạo chờ hư mốc ở cửa khẩu Lào Cai càng làm đắng lòng thêm, không chỉ nhà nông mà nhiều người dân Việt. Chuyện cũ, cứ lặp đi lặp lại, năm này sang năm khác. Mới tuần trước hàng ngàn tấn dưa hấu ứ đọng, phải đổ bỏ hoặc bán thốc, bán tháo.

Thông tin hàng ngàn tấn gạo chờ hư mốc ở cửa khẩu Lào Cai càng làm đắng lòng thêm, không chỉ nhà nông mà nhiều người dân Việt. Chuyện cũ, cứ lặp đi lặp lại, năm này sang năm khác. Mới tuần trước hàng ngàn tấn dưa hấu ứ đọng, phải đổ bỏ hoặc bán thốc, bán tháo.

Trên đồng thì dưa thối rữa vì giá mua rẻ hơn bèo, nhiều nơi mời bò ra ăn để bớt dọn. Thanh long cũng chung số phận long đong, lâu lâu lại nghe tin bị ép giá, dồn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn, giá cả cứ nhảy theo thương lái.
Mà nào chỉ có gạo, dưa và thanh long, nông sản nào cũng lận đận, chìm nổi. Mất mùa thì không vui nhưng trúng mùa lắm khi cười như mếu vì cứ “được mùa mất giá”. Quê tôi ở Bình Thuận, vừa làm ruộng vừa trồng ngũ cốc. Hồi bé, theo mẹ chở hàng ra chợ bán, tôi nghiệm ra, nông sản nào năm nay được giá thì năm sau mất giá, bởi bà con cứ nhắm mắt, chạy theo trồng thứ đang được giá. Hơn nửa thế kỷ sau, nông dân VN vẫn kinh doanh, sản xuất và xuất khẩu theo cách làm của những tiểu nông ngày trước. Dẫu bây giờ đất nước thanh bình, độc lập, có đủ hội nghề và bộ ngành hoành tráng, khoa học kỹ thuật rất hiện đại.
Vai trò của nhà nước và bộ chủ quản ở đâu và làm gì khi cứ để nông dân khổ sở năm này sang năm khác. Từ việc quy hoạch cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Hè năm 2011, thanh long Bình Thuận xuống giá thê thảm, chỉ còn vài ngàn một ký. Nhiều chủ vườn bỏ mặc trái chín vì tiền bán không đủ trả công hái. Mấy chủ vườn tiếc của, lấy công làm lời vì có xe container lạnh, cố chở lên cửa khẩu Lạng Sơn bán được 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trung Quốc mua lại, dán mác China và xuất khẩu đi các nước. Tôi qua Dubai, các cửa hàng bán thanh long VN mác China giá 10 USD/kg. Nghĩ mà xót xa. Thương lái Trung Quốc vào tận từng vùng quê lộng hành và ép giá như chỗ không người… Đủ thứ hội đoàn, đầy đủ bộ ngành hùng hậu vẫn bỏ mặc nông dân tự bơi giữa mênh mông bất trắc.
Việc thương thảo và quyết định giá bán nông sản xuất khẩu phải được các hội ngành nghề và Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương thay mặt đàm phán và quyết định theo nguyên tắc bảo vệ lợi ích của nông dân và của đất nước. Cứ chăm bẵm vào những thị trường dễ tính nhưng đầy rủi ro thì bao giờ khá lên được? Muốn giỏi phải chơi với người giỏi hơn. Muốn kinh doanh hiệu quả phải có những khách hàng khó tính, còn cứ xuề xòa thì ngày càng lụn bại.
Đã đến lúc phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan trong việc để nông dân khốn khổ lâu nay. Chần chừ và dửng dưng bỏ mặc là có lỗi với đất nước, là lực cản để đất nước tăng tốc đuổi kịp bạn bè.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.