Nói không với nhập rác

19/12/2018 04:53 GMT+7

Phế liệu thực chất là rác. Nhập khẩu phế liệu một cách chính xác và rõ ràng là nhập rác từ các nước về để tái chế, sản xuất.

Hậu quả của việc cấp phép vô tội vạ cho nhập phế liệu những năm qua là VN đang đứng trước nguy cơ trở thành bãi rác của thế giới.
Nhưng đó là tương lai gần nếu chúng ta không kiên quyết nói không với nhập khẩu phế liệu. Còn hiện tại, rất nhiều cảng lớn trên cả nước đã trở thành bãi rác chứa hàng ngàn, hàng vạn container rác vô chủ. Chỉ tính phí lưu cont thôi, chúng ta đã và đang lãng phí một khoản rất lớn chỉ để chứa rác. Còn muốn xử lý triệt để đống rác này thì sức người, sức của là cực lớn, chưa kể những hệ lụy về môi trường. Nên nhớ trong chiếc áo mang tên “phế loại nhập khẩu” có đủ các loại độc hại mà cho không được, các nước mừng hơn bắt được vàng vì đỡ tốn chi phí xử lý.
Quan trọng hơn, trong xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, minh bạch và truy xuất nguồn gốc thịnh hành ở khắp mọi nơi, những doanh nghiệp, hiệp hội tha thiết kiến nghị nới cho nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu nhập khẩu cũng nên thay đổi tư duy kinh doanh, chuyển sang sử dụng nguyên liệu chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng thay vì mập mờ, tận dụng phế thải của thế giới để sản xuất sản phẩm của mình như thói quen lâu nay nữa. Rồi cũng sẽ đến lúc, người tiêu dùng chỉ sử dụng những hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu sạch chứ không phải từ rác.
Nhắc lại để thấy, việc Chính phủ mạnh tay siết nhập khẩu phế liệu là hết sức cần thiết và các bộ ngành tham mưu cần quán triệt chủ trương này bằng mọi giải pháp, mọi lúc, mọi nơi. Nếu hôm nay chúng ta “nới” cho sắt thì ngày mai có lý do gì để nói không với đề xuất, mong muốn, kiến nghị của nhựa, của nhôm, cao su...? Nếu hôm nay tạo tiền lệ cho một vài công ty nhập phế liệu để bán lại thì ngày mai, sẽ có hàng trăm công ty cũng với lý do giống nhau, chúng ta từ có quyền gì từ chối các đơn vị khác? Hay rồi lại mở toang như cũ và hòa cả làng?
Nên nhớ, có tới 500.000 container phế liệu vẫn đang tìm bãi đáp sau khi Trung Quốc tuyên bố chấm dứt nhập khẩu 24 loại phế liệu từ đầu năm nay. Số phế liệu này đang chờ sự "nhân nhượng" của chúng ta để tràn vào VN. Cũng phải nói thêm là, cảnh báo về vấn đề này đã được đưa ra ngay từ đầu năm nhưng trong cao điểm siết, phế liệu vẫn ùn ùn vào VN, những giấy phép nhập khẩu phế liệu vẫn được cấp cho các công ty trung gian, nhập về để bán chứ không phải sản xuất. Vì vậy, phải kiên quyết nói không với những đề xuất, kiến nghị nới lỏng nhập khẩu phế liệu. Với các cơ quan chức năng đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ trong vấn đề này, cần đặt vấn đề động cơ cũng như trách nhiệm trong việc quản lý nhập khẩu phế liệu, kể cả giai đoạn trước.
Ngay cả rác thải (sinh hoạt và công nghiệp) trong nước, chúng ta còn xử lý chưa xong, không có lý do gì cứ nhập rác về gây thêm ô nhiễm cho môi trường mãi như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.