Nói không với 'dâng sao giải hạn'

13/01/2020 04:30 GMT+7

Năm ngoái, “ dâng sao giải hạn ” và “cắt oan gia trái chủ ” ngay trong khuôn viên các chùa đã khiến cả cơ quan quản lý nhà nước và lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đau đầu. Trong những ngày đó, tranh luận về Phật pháp đều nghiêng về phía chính pháp.

Ở đó, Phật giáo luôn khuyên phật tử làm điều thiện, tránh điều ác và nhờ đó mới có thể gặp được thiện duyên trong đời sống.
Một năm sau, mới tức thì, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra Văn bản 016 yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni giữ gìn sự trong sáng của chính pháp này. Theo đó, giáo hội gạt bỏ hoàn toàn các khái niệm như “giải hạn”, “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”. Giáo hội cũng yêu cầu việc tổ chức các lễ cầu quốc thái dân an phải tiết kiệm, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp Phật giáo. Các nghi lễ này cần nêu bật ý nghĩa của việc tạo phước đức bằng tránh ác, làm thiện.
Văn bản này khiến công chúng nhớ đến một văn bản cách đây 2 năm. Cuối 2018, cũng chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra văn bản, trong đó có đề nghị hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con bỏ đốt vàng mã tại cơ sở thờ tự Phật giáo. Quyết định này khi đó được GS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo, đánh giá là “dũng cảm”.
GS Đỗ Quang Hưng ở thời điểm đó chia sẻ: “Nhiều cao tăng có tâm tư là việc đốt vàng mã này không có liên quan gì đến nghi thức nghi lễ của Phật giáo cả, nhưng nó lại rất gắn bó vì nhà Phật thấy đó là cách để thỏa hiệp với tín ngưỡng này để giữ tín đồ của mình, thậm chí là tăng tín đồ của mình. Nhưng bây giờ, đến giai đoạn bất hợp lý thì họ đã dũng cảm đi đến ý kiến tập thể là thay đổi. Chủ thể giáo hội đã công khai thái độ rất dũng cảm, rất tốt”.
Điều này cũng rất tương đồng với việc cúng dâng sao giải hạn trong chùa. Một mặt nó không phải là nghi lễ Phật giáo, mặt khác nó là sự thỏa hiệp để giữ tín đồ. Chính vì thế, Văn bản 016 nói không với dâng sao giải hạn, cắt oan gia trái chủ năm nay cũng là một công khai thái độ dũng cảm.
Mặc dù vậy, vấn đề bây giờ nằm ở việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ kiên trì theo đuổi các quyết định này đến đâu, bản thân các tăng ni sẽ khéo léo vận động tín đồ và người dân như thế nào để thực hiện. Còn nhớ, hồi những năm 1937 - 1938, phong trào chấn hưng Phật giáo cũng đã cố gắng thực hiện bỏ vàng mã để tránh tốn kém mà không có hiệu quả. Từ 2018 tới nay, việc đốt vàng mã trong các chùa cũng vẫn còn. Chính vì thế, việc bỏ dâng sao giải hạn trong chùa giờ đây cũng không dễ thực hiện. Không dễ vì nếu người dân không thực sự tin vào việc tránh ác tạo thiện thì họ vẫn có thể sa vào cúng xin giải hạn. Việc dâng sao giải hạn khi đó sẽ chuyển sang địa điểm khác hoặc được tổ chức kín đáo hơn để ít người biết.
Rõ ràng, bằng hai văn bản cấm vàng mã và giờ đây nói không với dâng sao giải hạn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang đón rất đúng xu hướng hiện đại hóa, nhân văn cũng như chính pháp. Trên đường hành pháp, việc gặp trở ngại hẳn là sẽ có. Vì thế, rất mong cuộc "chấn hưng" mới này được thực hiện tới cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.