Nói ít hiểu nhiều

Trong quyển Nói ít hiểu nhiều - ba chìa khóa chinh phục người nghe , của Connie Dieken, người sáng lập kiêm chủ tịch của onPoint Communication, nơi đã hướng dẫn hàng ngàn nhà lãnh đạo từ các công ty như Apple, Olympus và McDonald’s về cách thức giao tiếp hiệu quả và đạt dược kết quả khả quan đã tổng kết rằng, có ba chiến thuật chinh phục người nghe, đó là Kết nối, Truyền đạt và Thuyết phục.

Kết nối với tất cả mọi người để thu hút được sự chú ý ngay lập tức; Truyền đạt đầy đủ thông tin một cách hiệu quả mà không gây quá tải hoặc nhầm lẫn cho người khác; Thuyết phục người khác hành động theo như ý bạn muốn và cảm thấy thích thú khi làm việc đó.
Nếu đối chiếu ba nguyên tắc này thì Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch mà Bộ VH-TT-DL ban hành ngày 2.3 đã làm hầu như ngược lại.
Trước hết, có lẽ nhiều người đồng ý rằng, cần thiết phải có Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Cần thiết hơn là làm sao để bộ quy tắc đó đi vào đời sống một cách “tự nhiên như nhiên” - đây mới là điều chúng ta mong muốn.
Người viết bài này đã đọc đi đọc lại nhiều lần bộ quy tắc nói trên và nhận thấy, nó dài nhưng lại thiếu, chi tiết nhưng không cụ thể, nhiều điều trùng lặp với luật, thông tư, nghị định, nhiều chuyện vặt vãnh không cần thiết…
Ví dụ, “Lên kế hoạch, tìm hiểu trước về điểm đến và dịch vụ, đặt dịch vụ trước khi đi du lịch” hay “Chuẩn bị hành lý gọn gàng, đóng gói cẩn thận, đúng trọng lượng và kích thước theo quy định”. Những chuyện này, nó không thuộc quy tắc ứng xử mà thuộc về kỹ năng của từng người đi du lịch.
“Không sử dụng các loài động thực vật hoang dã được bảo vệ, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng để chế biến món ăn”. “Không sử dụng các nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến món ăn phục vụ khách”... Chuyện này thuộc lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm mà bất kỳ ở đâu cũng phải tuân thủ chứ không riêng gì người du lịch.
Quá nhiều điều trong bộ quy tắc này nêu ra không phải không đúng nhưng thừa, khiến cho bộ quy tắc trở nên dài dòng, khó nhớ.
Theo chúng tôi, có thể lược bỏ bộ quy tắc đó còn lại tối đa 20 câu ngắn gọn, dễ nhớ, có đặc trưng “ứng xử” và liên quan đến “du lịch”. Không cần phải mục, phải điều... thứ đã làm con người bội thực. Để từ những câu này, tùy theo đặc trưng, tính chất của các điểm du lịch, đơn vị quản lý sẽ mô tả nó bằng hình hiệu những điểm nổi bật nhất.
Cũng cần nói thêm rằng, ứng xử là một lĩnh vực vô cùng rộng, không bao giờ và không thể cụ thể hóa đầy đủ, chi tiết… Do vậy, bộ quy tắc chỉ có thể nêu những quy tắc cơ bản nhất, trong đó bao gồm câu “Tuân thủ sự hướng (chỉ) dẫn của các điểm du lịch”. Để, như đã nói, tùy đặc trưng, đơn vị quản lý từng điểm du lịch cụ thể nó bằng các hình hiệu, bảng hiệu, chỉ dẫn... cụ thể và sát thực hơn.
Phàm điều gì liên quan đến văn hóa thì không dễ ngày một ngày hai là có được, cuộc sống lại luôn có sự thay đổi, do vậy, bộ quy tắc nên tập trung vào những điểm “đúng và trúng” với từng thời kỳ và phải liên tục cập nhật, thậm chí là thay đổi. Ví dụ, đến một lúc nào đó người dân ý thức được và không bao giờ xả rác, không bao giờ hút thuốc lá thì câu “Không xả rác”, “Không hút thuốc lá” đã trở nên... buồn cười.
Để biến những điều bộ quy tắc mong muốn thành hiện thực, còn một điều quan trọng nữa là phải có chế tài. Từ bắt buộc mới thành thói quen.
Viết cho dài mà người khác ngại đọc rồi không đọc, viết trăm điều người khác thấy không hữu ích thì họ không nhớ, lúc đó, dù có nói tác phẩm (sản phẩm) của mình chứa tư tưởng hay gì gì đó cao siêu cũng thành cái không khả dụng. Ra cho nhiều quy tắc mà không thực hiện cũng không sao thì vô ích.
Vì thế, cần “nói ít hiểu nhiều”, nhất là trong cuộc sống bận rộn ngày nay, cần phải đập vào mắt, có câu “ngay và luôn” là thế!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.