Nỗi đau hay thành tích?

25/05/2020 04:32 GMT+7

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ , Bộ LĐ-TB-XH coi việc “phát hiện” ra một số vụ sai phạm trong thực hiện chi trả chính sách từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là một thành tích.

“Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan”, báo cáo viết.
Nhưng với dư luận xã hội thì chuyện vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu in sẵn tự nguyện không nhận tiền (các huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương của tỉnh Thanh Hóa), hay tình trạng đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo (tại xã Thiệu Thành, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) để hưởng chính sách hỗ trợ dịch không phải là “một số sai sót” mà là nỗi đau. Tình trạng đau lòng này cũng được phát hiện thêm ở tỉnh Ninh Thuận và Hòa Bình.
Đây không chỉ là nỗi đau của bộ máy chính quyền cơ sở về những cán bộ vi phạm pháp luật, mà còn là nỗi đau về đạo đức xuống cấp của một số đối tượng mang danh cán bộ, đảng viên.
Đặt câu chuyện này bên cạnh hình ảnh những bà mẹ hơn 100 tuổi thức đêm may khẩu trang tặng người nghèo chống dịch, những cụ ông cụ bà trong trại dưỡng lão gom từng đồng tiết kiệm để gửi ủng hộ nhà nước chống dịch… lại thấy nỗi đau nhân đôi. Những người xà xẻo tiền hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch, họ không những không có tim, mà còn khuyết tật não.
Cho đến giờ, lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Hòa Bình vẫn chưa lên tiếng chính thức, cũng như đưa ra hình thức xử lý đối với cán bộ sai phạm. Còn theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH thì “sai phạm đã được phát hiện, ngăn chặn và các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm khắc”.
“Xử lý nghiêm khắc” mà Bộ LĐ-TB-XH nhắc đến có lẽ là hình thức xử lý cán bộ ở xã Thiệu Thành (H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa): “Không tái cử cấp ủy đối với Bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã”. Các địa phương còn lại hiện chỉ dừng lại ở “rút kinh nghiệm”.
Cần phải nói rõ 2 việc: Thứ nhất, tất cả những sự việc sai phạm trong thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội hậu dịch Covid-19 đều do người dân tự phát hiện và tố cáo, không phải là thành tích giám sát của cơ quan quản lý. Thứ hai, sai phạm có tính chất nghiêm trọng, làm mất lòng tin của nhân dân vào chính sách tốt đẹp của nhà nước mà chỉ “không tái cử cấp ủy” thì là quá hời cho những cán bộ biến chất, và trớ trêu cho công tác nhân sự của Đảng.
Có thể có người nại rằng, do vụ việc đã được phát hiện trước khi gây hậu quả, hành vi trục lợi chưa hoàn thành nên không thể xử lý hình sự. Nhưng trục lợi chính sách là vi phạm pháp luật, trục lợi chính sách cho người nghèo còn là vô đạo đức. Do vậy dù thế nào thì ứng xử với những vụ việc kiểu này không thể giống như xử lý cán bộ biến chất thông thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.