Nỗ lực kiểm soát nợ công

07/11/2016 06:34 GMT+7

Dự kiến giữa tuần này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó có nội dung mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020.

Đây là nghị quyết đang được trông ngóng, bởi nợ công đến năm 2016 đã chạm ngưỡng 3 triệu tỉ đồng, gần “chạm” trần Quốc hội (QH) cho phép là 65% GDP. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, kết thúc năm 2016 dư nợ công sẽ ở mức 64,98% GDP, sát ngưỡng cho phép 65% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP, vượt ngưỡng 50% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP.
Nhìn vào con số này, có thể thấy kết thúc năm 2016 nợ Chính phủ đã “vượt trần” QH cho phép tới 3,1% GDP - một chỉ số không thể lạc quan.
Đó là chưa kể khoản nợ “khổng lồ” 1,5 triệu tỉ đồng mà các doanh nghiệp nhà nước đang vay. Những khoản nợ ấy về nguyên tắc là “tự vay tự trả”, không được xem là nợ công, nhưng không ít trong các khoản nợ đó lại có khả năng chuyển đổi thành nợ công.
Câu chuyện của Vinashin cho thấy đó là nỗi lo có thực. 63.000 tỉ đồng là số tiền ngân sách có thể sẽ phải trả nợ thay cho “ông lớn” này trong 10 năm tới. Trước đó, ngân sách cũng đã phải cắn răng chi tiền trả nợ thay cho hàng loạt dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh vay vốn. Ấy là còn chưa nhắc đến tình trạng “đội vốn” gấp đôi, gấp ba ở hàng loạt đại dự án vay vốn ODA chậm trễ hoàn thành, như dự án metro Hà Nội (tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu euro lên 1,17 tỉ euro), dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông (tăng tổng mức đầu tư từ 8.769 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng)…
Nợ công tăng nhanh, nhưng tăng trưởng lại giảm xuống, tất yếu ngân sách sẽ lâm cảnh “ăn đong”. Và trả nợ đang trở thành áp lực dữ dội lên ngân sách.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, tiền chúng ta làm ra mỗi năm đã không đủ để chi trả nợ nần. Vậy là chỉ còn một cách vay nợ mới trả nợ cũ, mà người ta vẫn dùng 2 từ chuyên môn là đảo nợ. Càng đáng lo hơn khi số vay nợ mới trả nợ cũ cứ ngày một tăng. Số liệu được Ủy ban Tài chính - Ngân sách dẫn ra cho thấy, năm 2013 chúng ta vay đảo nợ mới chỉ 47.000 tỉ đồng, nhưng đến năm 2014 đã tăng gấp đôi lên 106.000 tỉ đồng và tới năm 2015 con số vay nợ mới trả nợ cũ đã là 125.000 tỉ đồng.
Trong kế hoạch vay trả nợ công 5 năm tới, Chính phủ vẫn thể hiện quyết tâm dứt khoát không “phá trần” nợ công 65% GDP. Điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc kiểm soát nợ công. Nước vẫn nghèo mà còn thêm nặng nợ, thì chỉ còn một cách là chi tiêu tiết kiệm đi đôi với đầu tư có hiệu quả, không phải chỉ nâng niu những đồng tiền đi vay mà cả từng đồng tiền người dân đang ngày ngày đóng thuế cho nhà nước. Có vậy tiền đi vay mới “đẻ” ra tiền, chứ không sinh thêm nợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.