Những "nút cổ chai" của nền kinh tế

16/01/2006 00:12 GMT+7

Các phương tiện giao thông đang hối hả chạy trên đường, bỗng dồn ứ và khựng lại khi gặp một cái cầu, một đoạn đường bị thắt lại (còn gọi là "nút cổ chai"). Khi đó, dù cả con đường có thẳng hơn, mặt đường có phẳng, có rộng hơn, thì tốc độ chung trên cả con đường vẫn bị chậm, thời gian và chi phí trên cả con đường cũng vẫn còn lớn. Đó là "nút cổ chai" theo nghĩa đen, nghĩa hẹp còn có những "nút cổ chai" theo nghĩa bóng, nghĩa rộng hơn, đó chính là những "nút cổ chai" của nền kinh tế hiện nay - một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập ngày một sâu, rộng hơn trong điều kiện toàn cầu hóa.

Những "nút cổ chai" của nền kinh tế nói chung và từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng có khá nhiều, nhưng ở đây có thể khái quát thành mấy vấn đề lớn (thể chế kinh tế, chi phí dịch vụ, cơ sở hạ tầng).

Trước hết, còn nhiều vấn đề về thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh - những vấn đề của một nền kinh tế đang phát triển ở trình độ thấp, đang chuyển đổi và đang hội nhập - cần phải được cải cách bằng các giải pháp căn cơ, để loại bỏ tệ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, cho doanh  nghiệp, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh của công dân theo pháp luật. Phải rà soát lại toàn bộ các giấy phép con tồn tại dưới dạng quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để từ nay các bộ, tỉnh không được quy định, chỉ có Quốc hội hay Chính phủ mới có quyền ban hành các văn bản này.

Các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn mang nặng dấu ấn quản lý nhà nước, nặng về phục vụ cho công việc quản lý hơn là tạo điều kiện cho phát triển. Với cơ chế xin - cho tồn tại nhiều năm trên đất nước ta, đã dẫn đến hệ quả nhiều công chức ngộ nhận rằng họ "cho" cái không phải của họ mà là quyền của người dân được hưởng, còn người dân cũng ngộ nhận rằng họ phải đi "xin" cái  quyền của họ mà công chức phải phục vụ; dẫn đến hệ quả tham nhũng; dẫn đến hệ quả là đổi mới chuyển sang cơ chế thị trường đã vài chục năm rồi mà các loại thị trường vẫn chưa được hình thành một cách đồng bộ, từ thị trường bất động sản đến thị trường khoa học và công nghệ.

Chi phí sản xuất kinh doanh cao. Ngoài những nguyên nhân do trình độ thiết bị kỹ thuật - công nghệ, năng suất lao động xã hội thấp còn do nhiều nguyên nhân khác. Mặt bằng lãi suất cho vay khá cao, lên đến trên 10%/năm, trong khi tỷ suất  lợi nhuận trên vốn bình quân chung của doanh nghiệp mới chỉ đạt trên một nửa. Giá đất, giá thuê văn phòng, nơi sản xuất khá cao, chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất kinh doanh. Chi phí cho nhiều dịch vụ, kể cả những chi phí bôi trơn bất hợp lý, bất hợp pháp không có tên cụ thể còn lớn, ngoài tầm tay của doanh nghiệp.

Cơ sở hạ tầng còn yếu kém - ở đây chỉ đề cập đến năng lượng, cảng biển và viễn thông.

Sản lượng điện phát ra đã tăng nhanh trong những năm qua; năm 2005 đạt trên 53 tỉ kWh, gấp 3,6 lần năm 1995 và gấp gần 2 lần năm 2000, cao gần gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay - đó là những tốc độ tăng không phải sản phẩm nào cũng đạt được trong thời gian tương ứng. Tuy tăng với tốc độ cao như vậy, nhưng do số gốc so sánh là lúc điện còn thiếu trầm trọng nên sản lượng điện bình quân đầu người của nước ta năm nay mới đạt khoảng 641 kWh, thấp rất xa so với nhiều nước trên thế giới (trong 193 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh, có 167 có mức bình quân trên 1.000 kWh, trong đó có 12 đạt trên 10.000 kWh, 44 đạt trên 5.000 kWh). Cả nước vẫn còn khoảng 3,5 triệu hộ gia đình và 16 triệu nông dân chưa được tiếp cận với lưới điện quốc gia, trong đó 34% số hộ ở vùng sâu, vùng xa chưa có điện sử dụng. Ngay cả nơi có điện thì việc cắt điện luân phiên vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là những tháng hè vừa qua. Có chuyên gia còn dự đoán năm tới còn nắng nóng, hạn hán nặng hơn nhiều trong khi nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, đời sống lại tăng cao hơn nên điện sẽ còn thiếu trầm trọng hơn nữa. Trong báo cáo tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội mới đây, Thủ tướng Phan Văn Khải đã cảnh báo khả năng xảy ra thiếu hụt điện. Theo số liệu của Phòng Thương mại Úc tại Việt Nam thì ngành điện lực Việt Nam từ nay đến năm 2010 cần khoảng 11 tỉ USD để xây dựng các nhà máy phát điện mới, cần 4 tỉ USD để tiếp tục xây dựng lưới điện và 4 tỉ USD để trả nợ trong khi nguồn vốn của Tổng công ty điện lực Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu này.

Về cảng biển, hiện còn một số nghịch lý. Số lượng cảng thì nhiều (riêng số cảng thành viên của Hiệp hội cảng biển Việt Nam - VPA - lên đến 42) nhưng khối lượng vận chuyển thông qua thì thấp (VPA năm 2004 chỉ đạt hơn 74 triệu tấn, đạt 1,8 triệu tấn/cảng). Các cảng sông ở Việt Nam hầu hết là mức nước nông, rất hạn chế khả năng tiếp nhận các tàu chở container cỡ lớn, nhiều cảng phải xếp dỡ tàu container ngoài phao, kết hợp với phương thức vận tải container bằng xà lan để bốc dỡ hàng với năng suất, chất lượng thấp. Theo dự báo, năng lực bốc dỡ tại các cảng sẽ không còn đáp ứng được yêu cầu khi xuất nhập khẩu tăng với tốc độ cao hơn.

Về viễn thông, mặc dù việc đầu tư phát triển được thực hiện sớm, mấy năm nay đã được mở rộng cho các doanh nghiệp khác, nhưng vẫn là những doanh nghiệp Nhà nước và đã tạo ra cuộc cạnh tranh giảm giá song giá cả vẫn còn cao so với quốc tế, tình trạng chậm chạp, tắc nghẽn còn xảy ra khá phổ biến, tính độc quyền vẫn còn nặng.

Những "nút cổ chai, nút cổ ngỗng" trên cần được sớm khắc phục bằng nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ, trong đó có vấn đề mở cửa cho các nhà đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài đưa ra các dự án để đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.