Nhất ngôn ký xuất

18/09/2019 04:55 GMT+7

Hôm qua Bộ Y tế đã phải lên tiếng “giải thích thêm” cho phát biểu dậy sóng của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hôm 16.9 rằng, phải “ đổi tên Trường ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH Sức khỏe TP.HCM”, nếu không chúng ta “sẽ tụt hậu hơn cả Lào, Campuchia”.

Những phát ngôn kiểu “hack não” như thế này từ các quan chức cấp cao không hiếm thời gian vừa qua. Từ “thu giá” đến mất bằng lái phải thi lại của Bộ trưởng GTVT, từ “dạy người” của Bộ trưởng GD-ĐT đến chống ngập bằng lu của đại biểu HĐND TP.HCM, từ “phê tê bốc” đến “Bộ nào cũng xoay chuyển tình thế như Bộ Công an thì đất nước ngon lành” của quan chức Quốc hội... đều cho thấy một thực tế rằng, đã đến lúc phát ngôn cần phải được xem như cấu thành năng lực của cán bộ, quan chức.
Đây rõ ràng không phải chỉ là vấn đề “lỡ lời”, nôm na trong phát biểu mà thể hiện quan điểm, tư duy của cán bộ.
“Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, quan chức càng phải thuộc điều này. Một lời nói ra, dù tốt hay xấu, lành hay dữ, đều cứ như vậy mà bay đi để làm sang cho mình hoặc gây ra khủng hoảng. Cũng đừng trách dư luận soi mói câu chữ quan chức, điều đó là đương nhiên, bởi vì các vị là người của công chúng. Dân chúng, những người bỏ phiếu bầu ra quý vị và đặt quý vị vào các vị trí cầm cân nảy mực, quản trị xã hội chỉ có thể nhận biết về người đại diện cho mình, thông qua những phát ngôn trực tiếp hoặc các chính sách mà quan chức ban hành. Phát ngôn, do vậy, không chỉ là kỹ năng mà chính là quyền và nghĩa vụ của quan chức. Chẳng thế mà văn hóa phát ngôn, kỹ năng nói trước công chúng luôn là một bộ môn quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Thêm nữa, do nắm giữ các vị trí quan trọng, có thẩm quyền đề xuất, ban hành các chủ trương, chính sách, cơ chế, văn bản quy phạm pháp luật thì việc bồi dưỡng về trí tuệ, nhận thức, rèn luyện về tư cách của quan chức càng đòi hỏi cao hơn. Các quan chức phải chịu sự giám sát của người dân và công chúng về quá trình rèn luyện đó, bắt đầu từ hình ảnh mà quý vị xây dựng, thông qua các phát ngôn.
Mỗi chính sách mà các vị tham mưu (hoặc ban hành) tác động đến hàng triệu, hàng chục triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Nếu quan chức có trí tuệ hơn người, có tư duy pháp luật tốt, có tinh thần “kiến tạo” thì đó là hồng phúc của người dân, của đất nước. Bằng không, tình trạng luật pháp ban hành chưa có hiệu lực đã phải sửa, các chính sách “trên trời”, những đề xuất “chả giống ai” sẽ còn tiếp tục làm phiền lòng công chúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.