Nhân tai

Hôm qua, thêm một phóng sự nữa trên Báo Thanh Niên về thực phẩm bẩn những ngày trước tết.

Chuyện năm nào cũng được kể, như thể một khối u nhức nhối ám ảnh người Việt. Những là bì heo bẩn, là lòng lợn thối, là chân gà ngâm hóa chất, bánh mứt dùng màu độc hại...
Câu chuyện lẽ ra đã phải có hồi kết, chứ không thể lặp đi lặp lại khúc cao trào mà chẳng thể tìm ra một kết thúc nào có hậu để cứu vãn lòng tin.
Cái thực tế trở đi trở lại rõ ràng đã tố cáo hai thực trạng cần phải đối mặt và thừa nhận trong xã hội VN hiện tại.
Thứ nhất là chuyện “nhân tai” so với thiên tai. Thiên tai là thứ tai họa do trời đem đến, tuy có thể gây ra mưa lũ tàn phá tan hoang một vùng quê, tuy có thể gây ra bão siêu cấp nhấn chìm tàu bè, nhà cửa, nhưng vẫn là có thể dự báo và có thể lên kế hoạch ứng phó. Còn nhân tai, thứ tai họa chính con người gây ra cho đồng bào, đồng loại thì lại khác. Nó âm thầm và lặng lẽ tàn phá nhiều giá trị quan trọng của cuộc sống, đẩy con người vào nghịch cảnh đạo đức khó dung tha.
Thiên tai là do trời làm, người phải chịu chứ người không thể chọn. Nhưng trớ trêu là nhân tai nhiều khi lại do chính con người chọn lấy. Chút cảm xúc thị giác kiểu trắng - vàng, mờ - bóng ấy trên thực tế đã buộc chúng ta phải trả giá quá đắt cho sức khỏe và tính mạng.
Tự mỗi chúng ta có đủ dũng cảm để rời bỏ những thú vui sắc màu thực phẩm, rời bỏ sự chiều chuộng vị giác để chọn lấy một kiểu ăn uống an toàn hơn không? Hay là chính mỗi chúng ta tiếp tục tham gia “đặt hàng” thực phẩm bẩn để làm hại chính mình và đồng bào?
Thứ nữa là chuyện quản lý sản xuất thực phẩm. Phải thừa nhận, rằng nếu chỉ để cơ quan chức năng quản lý sản xuất thực phẩm thì không hiệu quả, thậm chí còn dễ tạo ra tiêu cực do móc ngoặc, hối lộ hoặc chỉ đơn giản là “đã hết sức cố gắng, nhưng lực lượng mỏng…”. Có ra quân kiểm tra, xử phạt, thậm chí bỏ tù ai đó thì rồi câu chuyện thực phẩm bẩn cũng tái đi tái lại mà thôi. Có khi kiểm tra xử phạt cũng chỉ là trấn an dư luận tạm thời.
Đã đến lúc phải áp dụng thêm một chiến lược mới thật quyết liệt về quản lý sản xuất thực phẩm. Một kịch bản hoàn toàn có thể nghĩ đến là những cơ sở sản xuất thực phẩm dù lớn nhỏ đều phải lắp đặt hệ thống camera giám sát để theo dõi quá trình sản xuất, kiểm chứng được lý lịch sản xuất các lô hàng thực phẩm, bắt buộc phải minh chứng được đầu vào nguyên liệu. Thông tin về các trường hợp vi phạm sản xuất thực phẩm bẩn phải được công bố công khai và định kỳ trên báo chí, trang web của cơ quan quản lý chuyên ngành và mạng xã hội để người dân theo dõi. Phải lập và công bố “danh sách đen” về cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, có danh tính người sản xuất thực phẩm bẩn và có quy định cấm tiệt những kẻ ấy tham gia vào chuỗi sản xuất thực phẩm dưới bất cứ vai trò nào, dưới bất cứ tên tuổi, nhãn hiệu nào. Một thành phố thông minh theo nghĩa công nghệ lẫn nhân văn hoàn toàn có thể làm được điều này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.