Ngọn lửa vừa kịp nhen lên...

27/10/2017 06:05 GMT+7

Trên cả sự phẫn nộ, đó là sự đổ vỡ niềm tin của người tiêu dùng sau lời thú nhận và xin lỗi của ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk, về việc ông lấy khăn lụa Trung Quốc về trà trộn với khăn lụa Khaisilk rồi bán ra thị trường với thương hiệu Khaisilk.
Ông Hoàng Khải đã thừa nhận, 50% khăn lụa Khaisilk hiện là hàng Trung Quốc. Nhưng 1%, 2%, 50% hay 100%... giờ đây không còn quan trọng nữa.
Mất niềm tin thì một tỷ lệ mang tính định lượng không còn ý nghĩa gì. Lâu nay người tiêu dùng chấp nhận "mua đắt" khăn Khaisilk vì tin tưởng vào uy tín, thương hiệu, vì niềm tự hào về một sản phẩm cao cấp, chất lượng được người Việt, doanh nghiệp Việt sản xuất chứ mấy ai thẩm định cụ thể chất lượng chiếc khăn đó như thế nào. Đó cũng chính là giá trị thương hiệu mà các tập đoàn, các công ty lớn trên thế giới phải mất hàng chục, thậm chí cả trăm năm để xây dựng và bằng mọi giá bảo vệ thông qua việc liên tục nâng cao chất lượng, dịch vụ sản phẩm, trách nhiệm với người tiêu dùng, với xã hội, với quốc gia.
Nhưng sự việc của Khaisilk không dừng ở tấm khăn lụa. Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi, còn bao nhiêu thương hiệu, sản phẩm Việt “treo hàng Việt, bán hàng Trung Quốc" như thế này? Và những nỗ lực của rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, nỗ lực của Bộ Chính trị, của Chính phủ trong công cuộc kêu gọi "Người VN ưu tiên dùng hàng VN" có thể bị tác động sau sự việc này.
Hẳn chúng ta còn nhớ, hàng hóa Việt đã vất vả, gian khổ thế nào ngay trên sân nhà khi hàng ngoại tràn vào theo lộ trình mở cửa thị trường hàng thập niên qua. Biết bao thương hiệu Việt đã biến mất, bao nhiêu nhãn hiệu quen thuộc một thời bị thôn tính, bao nhiêu người Việt từ lâu không còn mua hàng hóa tiêu dùng nội khi hàng nhập khẩu vừa tốt, vừa rẻ, vừa được bán ngay ngoài cửa ngõ? Trong bối cảnh đó, chúng ta đã phát động chương trình "Người Việt dùng hàng Việt" không chỉ là hô khẩu hiệu mà là sự vào cuộc của tất cả mọi người.
Nhà nước hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách; các tổ chức xã hội quảng bá đưa hàng Việt tới tận bản làng, thôn xóm; doanh nghiệp thì nâng cao chất lượng, dịch vụ, quản trị hiệu quả để có giá cạnh tranh; khơi dậy tinh thần dân tộc trong người dân qua nhiều chương trình thiết thực... Những nỗ lực này đã phát huy tác dụng. Ở nhiều phân khúc, nhiều lĩnh vực, hàng Trung Quốc không còn thống lĩnh thị trường mà thay vào đó là hàng Việt. Ngọn lửa vừa kịp nhen lên...
Nếu không có sự cố một chiếc khăn Khaisilk 2 nhãn mác vừa made in Vietnam vừa made in China thì người tiêu dùng trong nước còn bị lừa dối đến bao giờ? Những vấn đề pháp lý sẽ được giải quyết bằng pháp luật, nhưng vấn đề đạo đức kinh doanh, uy tín của một doanh nghiệp, một doanh nhân thì rất khó để giải quyết. Thực tế đã chứng minh, không có thương hiệu mạnh nào được xây dựng trên sự gian dối.
Hãy để cho người Việt có cơ hội được ủng hộ hàng Việt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.