Nghịch lý tinh gọn bộ máy

17/01/2019 04:44 GMT+7

Bộ Nội vụ thừa nhận sau một thời gian thực hiện chủ trương giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, số đầu mối trong bộ máy hành chính vẫn tăng đều.

Đến hết năm 2018, số lượng vụ và tương đương giảm 12 đơn vị, nhưng số cục và tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ lại tăng lên 9 đơn vị. Việc tinh giản biên chế cũng ở trong tình trạng tương tự. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh gọn bộ máy, hiệu lực hiệu quả, mục tiêu là giảm 140.000 - 150.000 người, thực tế lại tăng thêm 96.000 người.
Chi thường xuyên vẫn tăng đều trong các năm và hiện chiếm 65% tổng chi ngân sách là con số rất đáng quan tâm. Ở VN, cứ 1.000 dân thì có 43 công chức, viên chức (chưa kể quân đội và công an) hưởng lương từ ngân sách. Trong khi đó ở Philippines tỷ lệ là 13/1.000 (kể cả quân đội và công an); Ấn độ là 16 người, Indonesia là 17 và Singapore là 25. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng điều này cho thấy năng suất bộ máy của ta chưa cao, tỷ lệ thuận với hiệu lực, hiệu quả thấp.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao quan điểm về việc tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tinh giản biên chế được thống nhất rất cao trong đảng, đồng thuận trong xã hội nhưng kết quả thực hiện lại rất hạn chế, chưa đạt mục tiêu đề ra? Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ cải cách tổ chức bộ máy hành chính không được thực hiện trên nền tảng khoa học.
Ta tổ chức theo nguyên tắc, theo phương châm bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng trong đó lại có rất nhiều cơ cấu bộ trong bộ. Tổ chức bộ máy không mạch lạc. Chủ trương của Đảng thì phân biệt, tách quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế hiện nay ở nhiều bộ đang lẫn lộn chuyện này. Do vậy, bộ máy hành chính không chỉ cồng kềnh mà còn rườm rà cả về tổ chức, thủ tục và các hoạt động.
Thế nên mới có chuyện “lạm phát cấp phó”, bình quân cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 cán bộ là lãnh đạo, nhưng vẫn không đủ cấp phó... để đi họp.
Chỉ có thể tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy khi thay đổi cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy. Cần phải phân cấp, phân quyền cho cơ quan, đơn vị địa phương; Phân cấp là để chịu trách nhiệm, chứ không phải việc gì rồi cũng “báo cáo cấp trên”, chờ giải quyết, sai thì lôi hết cơ quan này, cơ quan kia ra chịu trách nhiệm mà cuối cùng không xử lý được việc.
Và phải bắt đầu từ việc Chính phủ, bộ, ngành chỉ xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược quy hoạch, thực hiện kiểm tra giám sát; không quản lý, điều hành kinh tế, không cấp phép, không tạo cửa xin - cho.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.