Nghịch lý ở 'vựa nông sản'

09/01/2021 06:30 GMT+7

Được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất , thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng cơ sở hạ tầng của khu vực ĐBSCL nói không quá lời thì kém nhất so với các vùng, miền.

Vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn ở nhiều buổi họp, kỳ họp.
Đầu tiên là cảng biển, chiếm lượng hàng hóa lớn nhất cả nước nhưng ĐBSCL không có cảng biển nước sâu nào. Thế là hàng hóa phải “ngược” lên TP.HCM bằng đường bộ để xuất khẩu. Việc này không chỉ khiến đội chi phí, giá thành mà còn khiến giao thông tuyến từ ĐBSCL về TP.HCM trở nên quá tải trầm trọng.
Đáng nói là ngay cả đường bộ, ĐBSCL cũng “yếu” nhất. Cụ thể, xây dựng cao tốc vùng ĐBSCL là ít nhất, chậm nhất trong cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 1.139 km đường cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó khu vực phía bắc có 898 km, miền Trung có 127 km, khu vực Đông Nam bộ có 74 km và khu vực ĐBSCL có 120 km (tính cả 80 km đoạn từ Cao Lãnh - Vàm Cống - Rạch Sỏi vừa hoàn thành cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc)...
Nhìn vào các con số này, có thể hình dung được những thiệt thòi của "vựa nông sản" của cả nước. Thiếu cảng, thiếu đường, dẫn đến việc gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước ở ĐBSCL suốt nhiều thập kỷ nay luôn hết sức khiêm tốn.
Cũng dễ hiểu, chất lượng cơ sở hạ tầng yếu kém khiến cho việc vận chuyển hàng hóa, lao động từ nơi này sang nơi khác mất khá nhiều thời gian, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa thì doanh nghiệp không muốn đầu tư. Vốn ít thì tiềm năng không thể phát huy, không thể khai thác và biến thành tăng trưởng. Đó là lý do bao nhiêu năm nay, sản vật của ĐBSCL vẫn chủ yếu xuất thô, giá trị gia tăng thấp, sản xuất manh mún và người nông dân ở "vựa nông sản" chưa thể có đời sống sung túc như tên gọi của nó. Điều này kéo theo những hệ lụy xã hội khác.
Theo số liệu từ Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020 được thực hiện bởi 20 chuyên gia kinh tế, chính sách hàng đầu Việt Nam, trong 1 thập niên vừa qua, số lượng người dân rời khỏi ĐBSCL là gần 1,1 triệu người, tương đương dân số của một số tỉnh trong vùng. Nguyên nhân chính là do không có nhiều cơ hội việc làm, phát triển kinh tế nên người dân phải di cư về TP.HCM và Đông Nam bộ. Từ tỷ lệ di cư cao, nhập cư thấp nên ĐBSCL là vùng duy nhất trong cả nước có tỷ lệ tăng dân số 0% trong giai đoạn 2009 - 2019. Người dân ở vựa nông sản lớn nhất cả nước, ở vùng đất được mệnh danh là trù phú nhất cả nước lại di cư nhiều nhất để mưu sinh là một nghịch lý đáng buồn. Cái nọ kéo cái kia, từ kinh tế đến xã hội... nếu không thực sự bắt tay vào giải quyết những nghịch lý ở vựa nông sản.
Tại kỳ họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực ĐBSCL khoảng 2 tỉ USD để phát triển hạ tầng giao thông quan trọng, đường ven biển bên cạnh các nguồn vốn từ địa phương và các nguồn khác. Trước đó cũng có khá nhiều chương trình, quy hoạch phát triển hạ tầng ĐBSCL nhưng triển khai rất chậm so với thực tế.
Hy vọng rằng lần này, những nút thắt cổ chai sẽ được tháo để vựa nông sản của cả nước có thể đột phá đúng với tiềm năng và lợi thế của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.