Ngành thuế đã thực sự quyết liệt?

17/07/2019 04:55 GMT+7

Năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thuế đặt ra là thu hồi nợ đọng . Thế nhưng kết quả thật đáng buồn, tính đến hết 6 tháng đầu năm, nợ thuế vẫn tăng mạnh, lên tới trên 83.000 tỉ đồng, tăng hơn 7.000 tỉ đồng so với cuối năm 2018.

Nghịch lý là ngành thuế càng khẳng định quyết liệt thu hồi nợ đọng thì nợ thuế lại càng tăng cao. Vậy ngành này đã thực sự quyết liệt hay chưa? Câu trả lời là chưa. Điều này được chính lãnh đạo ngành thuế thừa nhận trong một số cuộc họp liên quan đến vấn đề này. Theo đó, nguyên nhân chủ quan khiến nợ đọng vẫn tăng là do các đơn vị quản lý nợ chưa áp dụng triệt để các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo đúng quy định của luật Quản lý thuế nên hiệu quả công tác thu nợ chưa cao. Nguyên nhân này đã được chỉ ra từ quý 1, khi xu hướng tăng, đặc biệt là nợ không có khả năng thu hồi, vẫn tiếp tục. Thế nhưng thêm một quý nữa trôi qua tình hình vẫn không được cải thiện, nợ thuế lại tiếp tục chiều hướng đi lên.
Một nguyên nhân được nói đến nhiều năm nay nhưng vẫn chưa cải thiện, đó là chế tài xử phạt nợ thuế quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Nhiều trường hợp gian lận thuế, khai sai... ở nước ngoài có thể bị khởi tố thì chúng ta chỉ xử phạt vi phạm hành chính về thuế với số tiền vài chục triệu hoặc một vài tỉ đồng khiến cho chính sách pháp luật về thuế bị nhờn. Thậm chí tạo ra tâm lý chấp nhận phạt (nếu bị phát hiện) để vi phạm vì vẫn có lợi hơn chấp hành nghĩa vụ thuế.
Chính sách thuế thiếu minh bạch, công bằng cũng góp phần khiến doanh nghiệp (DN) chây ì nộp thuế. Cứ nghĩ đơn giản, cùng hoạt động như nhau nhưng “ông” này được ưu đãi, “ông” kia chưa quản lý được nên chưa phải đóng thuế trong khi những công ty làm ăn đàng hoàng lại thua thiệt thì lâu dài, cũng không ít trong số đó sẽ nản lòng mà tính kế chây ì luôn cho đỡ thiệt. Thực tế có rất nhiều lĩnh vực ngành nghề ngành thuế chưa kiểm soát tốt, đặc biệt là hoạt động kinh doanh xuyên biên giới, trong đó DN nội chịu thiệt thòi lớn khi nhiều đối thủ cạnh tranh không thực hiện đóng thuế, dẫn đến môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Hay những DN bị gánh thêm hàng trăm tỉ đồng thuế từ quy định bất hợp lý tại Nghị định 20 về khống chế chi phí lãi vay rơi vào tình trạng lãi giả lỗ thực, có thể họ cũng góp mặt trong số hàng vạn DN nợ thuế nói trên vì quá khó khăn, mà thời gian chờ đợi sửa đổi quy định kéo dài hơn 2 năm rồi vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng từ cơ quan quản lý.
Thái độ của cán bộ, nhân viên ngành thuế... cũng là yếu tố tác động không nhỏ tới ý thức chấp hành nghĩa vụ thuế của người dân, DN.
Thực tế ngành thuế đã áp dụng khá nhiều giải pháp mạnh tay hơn, chủ động hơn trong công tác thu hồi nợ thuế. Thế nhưng nợ thuế, chây ì thuế như nói trên, có nhiều nguyên nhân từ chính sách cho tới thực thi, năng lực, thái độ... Nếu không phân tích cụ thể nguyên nhân thì không thể có giải pháp hiệu quả để thu hồi nợ thuế.
Quyết liệt, phải được nhìn trên tổng thể chứ không chỉ là tăng cường triển khai các giải pháp đòi nợ mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.