Ngăn tiền lệ xấu

12/02/2019 05:00 GMT+7

Buôn lậu xăng dầu trên biển có xu hướng ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống buôn lậu trong năm 2018, buôn lậu xăng dầu trên biển có biểu hiện gia tăng cả quy mô và số lượng hàng hóa, tập trung chủ yếu ở các vùng biển thuộc các địa phương: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, nhất là vùng biển Kiên Giang và giáp ranh các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan...
Trên thực tế, do giá xăng dầu trong nước chênh lệch từ khoảng 2.500 - 4.000 đồng/lít so với một số nước trong khu vực, nên việc buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến rất phức tạp. Nhiều vụ quy mô không hề nhỏ, thủ đoạn hết sức tinh vi, “núp bóng” dưới nhiều hình thức…
Thủ đoạn phổ biến nhất của việc buôn lậu xăng dầu vẫn là do một số “đầu nậu” trong nước móc nối, giao dịch với “đầu nậu” người nước ngoài để thỏa thuận ngầm về giá, thời gian, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán… Thậm chí các “đầu nậu” còn “phù phép” hồ sơ hàng hóa để đối phó với cơ quan chức năng nếu bị phát hiện, bắt giữ..., gây ra nhiều hệ lụy và thiệt hại.
Không thể phủ nhận nỗ lực của các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát biển trong cuộc chiến chống buôn lậu xăng dầu trên biển khi thực hiện chỉ đạo chung của Chính phủ. Dẫu trong những năm gần đây cuộc chiến đó luôn gian nan, thách thức, nhưng mỗi năm đều có hàng trăm vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý nghiêm. Có nhiều vụ còn bị điều tra mở rộng, truy cứu trách nhiệm hình sự. Điển hình như vụ Công ty CP Đông Dương Hòa Phú (trụ sở tại Bình Thuận) buôn lậu xăng dầu vào thời điểm 2015 - 2016, vừa bị TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra xét xử, tuyên án tù 12 bị cáo. Hay như đường dây mua bán lậu xăng dầu từ Singapore vào năm 2017, cũng đã được Tòa án Quân sự Quân khu 5 xét xử sơ thẩm 8 bị cáo vào cuối tháng 12.2018, trong đó có nhiều bị cáo phải nhận mức án hàng chục năm tù.
Trước đó, trong hai năm 2013 - 2014 cũng có đến hàng trăm vụ buôn lậu xăng dầu trên biển bị phát hiện. Trong đó nghiêm trọng nhất là nhiều vụ tàu của Công ty TNHH Hải Dương (trụ sở tại TP.Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) chở hàng ngàn mét khối dầu không rõ nguồn gốc, bị Vùng Cảnh sát biển 4 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) bắt giữ. Vào thời điểm đó, vụ việc này được xác định có quy mô “đặc biệt lớn”. Song điều đáng nói là sau đó chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn, thậm chí lo ngại trở thành một tiền lệ xấu trong xử lý vi phạm, tội phạm.
Ngăn tiền lệ xấu để thắt chặt kỷ cương trong quản lý, đặc biệt là thực thi quy định pháp luật công bằng, nghiêm minh. Đặc biệt trong lĩnh vực xăng dầu, để buôn lậu hoành hành không chỉ khuynh đảo thị trường mặt hàng trọng yếu, tác động xấu đến vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.