Ngẫm về Hồi tị

10/05/2018 03:28 GMT+7

Chuyện “cả nhà, cả họ làm quan” diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, lúc thì tinh vi, khi thì lộ liễu làm cho dư luận đi từ bất ngờ này đến bức xúc khác.

Việc bổ nhiệm trong nhiều trường hợp được lý giải, được một số cơ quan có trách nhiệm kết luận là “đúng quy trình”.
Thậm chí, có người còn khẳng định: Luật Công chức không cấm anh em, người nhà cùng làm cán bộ ở một địa phương; luật Phòng chống tham nhũng cũng chỉ quy định người đứng đầu và cấp phó không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh chị em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức...
Thế nhưng, người có năng lực, phẩm chất vượt trội mà không được bổ nhiệm là thiếu công bằng. Và có một thực tế là, khi có quyền lực, để tham nhũng không ít người đã kéo bè cánh, trước hết là người thân để tạo nên những “nhóm lợi ích” được ràng buộc chặt với nhau bằng cả tình cảm gia đình, dòng họ lẫn quyền lợi về vật chất và chính trị. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy khác cho cả bộ máy như: mất dân chủ, bảo vệ cho những sai trái của lãnh đạo và người thân, cô lập những người không cùng phe cánh...
Để tạo ra những bộ máy như trên thì rõ ràng là cái “quy trình” bổ nhiệm nhân sự đang có vấn đề. Nó không chỉ là sai sót trong tổ chức thực hiện mà là từ những yếu tố cơ bản thuộc về nguyên tắc của quy trình. Chính vì thế, đề xuất bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương tại Hội nghị T.Ư lần thứ 7, phiên thảo luận về đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận. Việc này sẽ kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, hạn chế tình trạng nể nang, duy tình trong điều hành hay bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác.
Hơn 500 năm trước, để thực hiện cải cách nền hành chính, vua Lê Thánh Tông đã đưa những quy định về Hồi tị (tránh đi) vào Quốc triều hình luật. Cụ thể, không đưa quan lại về quê hương trị nhậm; quan lại không được lấy vợ, thiếp, kết thông gia; tậu đất, vườn ruộng, nhà nơi mình cai quản; không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc cùng công sở... Đến thời Minh Mạng, ông cho ban hành luật Hồi tị với nhiều quy định tích cực và triệt để hơn nữa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho triều đại của các vị vua này có những thành tựu đáng ghi nhận trong lịch sử dân tộc ta.
Kinh nghiệm ấy của cha ông cần thiết cho hậu thế học tập, vận dụng sáng tạo trong thời điểm hiện nay. Và đó chính là một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng “thân quen, cánh hẩu” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra ngay trong phiên khai mạc Hội nghị T.Ư lần thứ 7.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.