Nếu có thể 'đổi vai'

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
02/02/2018 04:48 GMT+7

Cái cần nhanh thì chậm, cái cần ổn định lại liên tục điều chỉnh..., nghịch lý này đã và đang làm khó người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kéo trì sự phát triển của đất nước.

Chi phí không chính thức là thực trạng nhức nhối tồn tại nhiều thập niên qua ở hầu hết các "cửa công". Chuyện phải lót tay, đi đêm... khi đi làm thủ tục đã trở thành "luật bất thành văn". Mấy năm gần đây, Chính phủ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ, nhân viên cố tình nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp (DN). Nhiều cơ quan cũng tuyên bố, khẳng định đơn giản hóa thủ tục hành chính để ngăn chặn tệ "ăn vặt" của nhân viên thực thi nhưng thực trạng này vẫn tồn tại dai dẳng. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy, có đến 66% DN cho biết phải nhờ đến “mối quan hệ” để được tiếp cận thông tin, tài liệu pháp lý và thông tin quy hoạch; 66% DN phải trả chi phí không chính thức cho các cơ quan nhà nước, tăng 2% so với năm 2014 và tăng 16% so với năm 2003.
Tại hội nghị trực tuyến với ngành thuế ngày 31.1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hỏi thẳng Bộ trưởng Bộ Tài chính "cán bộ thuế có dám nói không với tiêu cực?" sau khi nêu thực trạng và nhận định, tình trạng tham nhũng, tham ô, ăn vặt trong ngành này đã làm xói mòn niềm tin của người dân, DN. Dai dẳng tương tự là các điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang yêu cầu các bộ, ngành phải quyết liệt cắt bỏ. Thực tế từ những năm 2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30 về việc bãi bỏ các giấy phép con. Lúc đó, mới có khoảng 500 điều kiện kinh doanh; nhưng sau gần 2 thập niên, giấy phép cháu, giấy phép chắt đã mọc lên và đến nay có gần 6.000 điều kiện kinh doanh! Hay các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đã được chứng minh là vô lý, gây tốn kém cho DN nhưng cũng cắt mãi chưa hết.
Đáng buồn là trong khi những vấn đề cần giảm nhanh, giảm mạnh như nói trên lại tồn tại dai dẳng; thì nhiều cơ chế, chính sách cần ổn định lại thay đổi liên tục khiến DN khốn đốn. Đơn cử việc thay đổi thuế GTGT từ 10% xuống 5% rồi 0% với một số mặt hàng thực phẩm chức năng đã khiến một số DN bỗng dưng thành con nợ của ngành thuế, vì đối tác không được hoàn thuế nên cũng không trả lại cho DN. Hay chính sách kiểm định, xác định tải trọng của xe container có đầu kéo, rơ moóc liên tục thay đổi khiến DN rơi vào tình cảnh “chạy đua” đầu tư sơ mi, rơ moóc mới cho phù hợp, không ít DN "sức cùng, lực kiệt". Đây chính là rủi ro chính sách mà các DN hết sức lo ngại. Thực tế, sự ổn định của chính sách là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định của DN trong và ngoài nước để đầu tư hay không đầu tư, đầu tư nhiều hay ít, đầu tư vào VN hay thị trường khác...
Nếu có thể "đổi vai", cắt bỏ tệ nhũng nhiễu, các điều kiện kinh doanh, những thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhanh chóng; còn chính sách giữ ổn định thì kinh tế VN hoàn toàn có thể trở thành con hổ mới của châu Á như Thủ tướng từng nói. N.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.