Mua rượu lúc 21 giờ 59 phút

21/07/2014 03:00 GMT+7

Tác hại của lạm dụng rượu bia không có gì phải tranh cãi, nhưng quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ trong dự thảo luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia mà Bộ Y tế đang soạn thảo thì lại gây tranh cãi.

Tác hại của lạm dụng rượu bia không có gì phải tranh cãi, nhưng quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ trong dự thảo luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia mà Bộ Y tế đang soạn thảo thì lại gây tranh cãi.

Thực ra, việc hạn chế về thời gian kinh doanh không phải là vấn đề mới (theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP thì biểu diễn nghệ thuật không được diễn sau 24 giờ, vũ trường không được hoạt động sau 24 giờ, karaoke cũng không được hát sau 24 giờ, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử cũng phải đóng cửa sau 22 giờ đêm…). Nhưng không bán rượu bia sau 22 giờ thì lại phải bàn. Trước hết là mục đích của hạn chế này là gì? Theo giải thích của đại diện Bộ Y tế thì uống rượu, bia sau 22 giờ ảnh hưởng nhất đến sức khỏe (?) và cần cấm sau 22 giờ để “bảo đảm trật tự an toàn xã hội”. Thế nghĩa là, mục đích hướng đến hành vi uống chứ không phải là hành vi bán rượu, bia. Vậy tại sao điều luật lại điều chỉnh cấm hành vi bán?

Điều này na ná chủ trương từng tranh cãi trước đây, cấm karaoke để chống mại dâm, trong khi người ta không chứng minh được mại dâm có trước hay karaoke có trước? Nếu mại dâm có trước thì nó không phải do karaoke đẻ ra; nếu nó không phải do karaoke đẻ ra thì cấm karaoke sẽ không làm cho mại dâm biến mất. Và trên thực tế là các quy định cấm kiểu này chả bao giờ mang lại giá trị cuộc sống.

Thứ hai là tính khả thi, công bằng mà nói, các quán hàng bán rượu, bia là nơi thuận lợi để phát sinh hành vi lạm dụng rượu bia và làm nảy sinh các hành vi vi phạm trật tự xã hội. Tuy nhiên, nó chỉ tạo điều kiện chứ hoàn toàn không làm phát sinh hành vi. Nhà hàng không bán rượu, không bán bia thì khách đem bia, rượu đến quán để “tự phục vụ”, quán bị cấm bán chứ khách đâu có bị cấm uống? Hoặc người ta có thể mua rượu lúc 21giờ 59 phút và uống đến khi nào tùy thích.

Lối sống mới là nguyên nhân chính phát sinh hành vi lạm dụng rượu, bia và làm nảy sinh tiêu cực.

Không có một lý thuyết lập pháp rõ ràng, vậy nên, trước nay, chúng ta cũng có nhiều quy định hạn chế lạm dụng bia rượu (cấm bán rượu cho trẻ dưới 18 tuổi; cấm bán rượu bia qua mạng internet…theo Nghị định 94/2012/NĐ-CP), nhưng dường như những quy định ấy chưa khi nào đi vào cuộc sống. Bởi lực lượng chức năng không thể kiểm tra, kiểm soát các điểm bán rượu, còn các điểm bán rượu cũng gặp khó nếu yêu cầu khách mua hàng chứng minh mình đã trên 18 tuổi.

Ban hành quy định không khó, nhưng sau quy định cần phải có kiểm soát mới khó. Các nhà lập pháp không nên tiếp tục ban hành những điều luật cho có, cho hay.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.