Mỗi học sinh đều có 'hạng'

30/05/2019 05:06 GMT+7

Có lần người viết nghe một nhóm học sinh nói chuyện với nhau, đặt câu hỏi tưởng để vui nhưng khiến người lớn phải suy nghĩ.

Các em hài hước sao không có phần thưởng cho đứa bạn luôn biết tạo tiếng cười để không khí lớp học dễ chịu hơn?
Sao không tuyên dương bạn từ học lực trung bình lên khá?
Việc xếp hạng trong học tập là điều hiển nhiên đối với bất kỳ ai từng đi học bao năm qua. Điều này không xấu, thậm chí một mặt nào đó còn có ý nghĩa động viên, thậm chí là động lực thúc đẩy mọi học sinh (HS) phải luôn cố gắng. Thế nhưng ai đã trải qua thời HS đều biết việc xếp hạng này là một ám ảnh.
Nhớ về thời đi học, có lẽ một trong những điều khiến tôi phải trăn trở nhiều nhất là không để thứ hạng tụt xuống. Cứ sau khi thi xong, những HS thuộc hàng tốp trong lớp dự đoán điểm số, tính ra điểm trung bình, thứ hạng. Rồi vui hay buồn cũng vì những thứ hạng đó, có khi tình cảm bạn bè, tình thầy trò cũng bị chao đảo vì sự cạnh tranh điểm số. Xếp hạng cuối năm, HS thứ hạng cao luôn được tán dương nhưng mấy ai để ý đến mặc cảm của những HS xếp cuối lớp.
Những học trò thế hệ trước giờ trở thành cha mẹ vẫn mang nặng tư duy thứ hạng gây áp lực cho con trong một bối cảnh giáo dục đã thay đổi rất nhiều.
Người viết từng nghe tâm sự của một HS xót xa kể rằng em đã phấn đấu để là HS giỏi với các môn đều trên 8 nhưng ba của em không hài lòng: “Sao con không đứng đầu lớp mà chỉ xếp thứ 5?”. So với HS thời trước, ngày nay HS có điểm trung bình rất cao, nhất là với những HS nằm trong tốp đầu của lớp, trên 9 phẩy là chuyện bình thường. Vì thế chỉ cần lệch nhau 0,1 điểm là HS có thể rớt xuống nhiều hạng, nhất là khi có nhiều HS đồng điểm. Vì vậy mới có điều lạ lùng là trong các lớp giỏi, nhiều HS điểm trung bình còn rất cao nhưng khi xếp hạng vẫn đứng… cuối lớp.
Ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến, việc xếp hạng trong lớp không được đặt nặng. Chẳng hạn ở Úc không xếp hạng nhưng HS nhất lớp sẽ có phần thưởng và giấy khen; mỗi môn học, giáo viên sẽ chọn ra người đứng đầu để khen thưởng. Tuy nhiên đến lớp 12 sẽ thật sự có xếp hạng để HS biết được mình ở bậc nào mà chọn trường đại học phù hợp. Ở VN, một số trường tư cũng không thực hiện việc xếp hạng HS từ khá lâu.
Trong bối cảnh hiện nay HS giỏi quá nhiều, điểm 10 cũng quá phổ biến, xếp hạng tạo ra nhiều hệ lụy thì việc Thường trực UBND TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT nên bỏ xếp hạng trong lớp để giảm áp lực tâm lý cho HS, giảm áp lực thi đua cho giáo viên là một nỗ lực đáng trân trọng.
Mỗi HS đều có những ưu điểm của mình, kể cả những em học lực chưa tốt. Thay vì chỉ chăm chăm xếp hạng khen thưởng những HS nổi bật trong học tập, phong trào thì có thể “xếp hạng” cho cả những em có tiến bộ hơn hôm qua, HS tạo những ảnh hưởng đẹp với bạn bè…
Không để HS nào bị bỏ lại phía sau sẽ nhân văn hơn rất nhiều so với một bảng xếp hạng thứ bậc lạnh lùng trong giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.